Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid – 19, các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, chống đối lực lượng kiểm soát chốt phòng dịch, làm lây lan dịch bệnh cho người khác, đưa người nhập cảnh trái phép… đều được các cấp Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, công khai, khách quan. Căn cứ vào từng hành vi, tính chất và mức độ phạm tội khác nhau mà mỗi bản án được tuyên dành cho các bị cáo đã khẳng định sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật nhưng cũng đầy nhăn văn.
Dịch bệnh kéo theo nhiều hệ lụy
Làn sóng đại dịch Covid 19 xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 đến nay đã gây ra những tổn thất nặng nề, mát mát lớn cả về người và tài sản. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài không chỉ làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà còn tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm và mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo các chuyên gia dịch tễ, có nhiều nguyên nhân làm bùng phát và lây lan dịch bệnh, ngoài nguyên nhân về mặt ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận người dân. Trong đó còn một nguyên nhân rất đáng lo ngại đó là do nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh, virut biến thể Delta nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh hơn, lây nhiễm chéo trong khu cách ly, trốn cánh ly y tế gây nhiều khó khăn trong việc truy vết dẫn đến những ca mắc Covid- 19 trong cộng đồng ngày càng tăng lên.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng theo kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh có xu hướng gia tăng. Nổi cộm là các vụ án đưa người trái phép nhập cảnh vào Việt Nam; Chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm dịch; Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người…
Mới đây nhất, ngày 20/8, TAND TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Trung (SN 1992, ngụ phường An Lạc) 21 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ xảy ra tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khu vực cầu Sở Thượng.
Cáo trạng thể hiện, khuya 01/8, Trung điều khiển xe máy từ hướng phường An Lạc vào địa phận phường An Thạnh. Chốt trưởng Chốt kiểm soát là anh Lê Văn Đệ yêu cầu Trung dừng xe và cung cấp giấy tờ có liên quan.
Trung không cung cấp được giấy tờ theo quy định nên anh Đệ yêu cầu quay xe trở về nơi cư trú. Khi đó, bị cáo đã có lời lẽ xúc phạm anh Đệ và thành viên tổ công tác rồi đánh vào mặt anh Đệ, làm nạn nhân té ngã.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Trung thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhận thức rõ sai phạm đã gây ra, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19.
Ngày 30/3, TAND TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tấn Hậu, tiếp viên Vietnam Airlines về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hậu là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, mặc dù đã được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly nam thanh niên tự ý rời khỏi nơi cư trú đi ăn, uống, học tập tại nhiều nơi ở TP. Hồ Chí Minh làm lây lan dịch bệnh cho một số người khác.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Dương Tấn Hậu hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là bốn năm.
Vào trung tuần tháng 9/2020, TAND huyện An Phú (An Giang) đưa ra xét xử lưu động vụ án Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép đối với hai bị cáo Nguyễn Hoài Phương và Sa Liêm.
Theo cáo trạng, hai bị cáo Phương và Liêm nhận chuyển người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại, với tiền công 2 triệu đồng/người. Các đối tượng tập kết người cần vượt biên tại một nhà trọ gần biên giới rồi vận chuyển bằng xe ô tô qua đường mòn. TAND huyện An Phú đã tuyên phạt mức án 7 năm tù với Nguyễn Hoài Phương và 3 năm tù với Sa Liêm. Đây là bản án thích đáng dành cho các bị cáo thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Bán án nghiêm minh, dư luận đồng tình
Những hành vi vi phạm pháp luật như cố tình chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, làm lây lan dịch bệnh cho người khác, đưa người nhập cảnh trái phép đi, buôn lậu, đầu cơ… đều được các cấp Tòa án đưa ra xét xử công khai bằng những bản án thích đáng, nghiêm minh được dư luận đồng tình, góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Để tăng tính răn đe, giáo dục và nâng cao nhận thức xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đa số các phiên tòa xét xử các tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid -19 được xét xử nhanh chóng kịp thời.
Điển hình là trường hợp chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên xã Đông Hải – Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh được tòa án đưa ra xét xử lưu động chỉ sau 6 ngày có quyết định khởi tố.
Cụ thể, ngày 10/4, TAND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Đào Xuân Anh Doanh (SN 1990) về tội chống người thi hành công vụ
Cáo trạng truy tố thể hiện, chiều 4/4, Doanh và một người bạn đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang. Khi gặp tổ công tác phòng, chống dịch Covid -19 liên xã Đông Hải – Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, Doanh không chấp hành việc đo thân nhiệt và khai báo y tế và có lời lẽ lăng mạ, chửi bới, dùng mũ cối hành hung các thành viên tổ công tác.
Xét thấy hành vi của Doanh là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19. Sau khi xem xét các yếu tố, TAND huyện Tiên Yên tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Anh Doanh 9 tháng tù.
Việc xét xử nhanh chóng kịp thời, nghiêm minh đối với các loại hình tội phạm liên quan đến Covid – 19 là rất cần thiết và quan trọng nhằm ngăn chặn, triệt tiêu các loại ổ nhóm tội phạm lợi dụng lúc tình hình dịch bệnh đang rối ren, đi ngược lại những nỗ lực chung của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công tác chống dịch bệnh Covid – 19.
Một số chuyên gia pháp lý có cùng quan điểm cho rằng, các cấp Tòa án đã đưa ra xét xử và có những bản án nghiêm khắc đối với nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, góp phần tác động tích cực tới việc giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, những chế tài và hình phạt hiện nay đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch vẫn mang tính chất răn đe, giáo dục nhiều hơn tính chất trừng phạt. Xu hướng áp dụng hình phạt là thể hiện tính khoan hồng nhân đạo, nhưng vẫn nghiêm minh đối với từng đối tượng, từng vụ việc cụ thể. Việc áp dụng hình phạt mang tính chất nhân văn, hướng thiện và chú trọng công tác phòng ngừa được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.