Xây dựng Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Mở rộng hơn thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính

Trần Minh Giang| 08/08/2014 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Qua hơn 3 năm thực thi, Luật TTHC đã bộc nhiều bất cập, làm hạn chế quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Thực hiện Chương trình xây dựng luât, pháp lệnh năm 2014, 2015, TANDTC được Quốc hội khóa XIII giao chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Luật TTHC (sửa đổi). Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình là Trưởng Ban soạn thảo; Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa là Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi).

Hạn chế của Luật TTHC hiện hành

Mặc dù Luật TTHC hiện hành đã mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện của TAND, tuy nhiên, vẫn còn giới hạn đối với một số loại khiếu kiện hành chính nhất định, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đồng thời hiện nay pháp luật chưa quy định các quyết định, hành vi hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự là quyết định hành chính, hành vi hành chính nên cá nhân, cơ quan, tổ chức không có quyền khởi kiện bằng vụ án hành chính đối với loại quyết định, hành vi này, làm hạn chế quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Xây dựng Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Mở rộng hơn thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) định hướng những vấn đề quan trọng của Dự án Luật

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì một số quyết định xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án vẫn được khởi kiện bằng vụ án hành chính tại Tòa án. Tuy nhiên, việc cho phép khởi kiện bằng vụ án hành chính đối với quyết định của Tòa án như vậy là không phù hợp với thực tiễn, không khả thi, gây trì hoãn đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng: Đối với quyết định của Tòa án thì không được khởi kiện bằng vụ án hành chính mà sẽ được giải quyết thông qua thủ tục đặc thù sẽ phù hợp với thực tế hiện nay.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã xác định “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”. Việc xây dựng dự án Luật TTHC (sửa đổi) được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Luật TTHC năm 2010, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa những quy định còn phù hợp; đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về TTHC. Luật TTHC (sửa đổi) bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành; không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bảo đảm trình tự và thủ tục TTHC có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTHC.

Quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng Luật TTHC (sửa đổi)

Tại buổi họp Ban soạn thảo Luật TTHC (sửa đổi), Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo nêu rõ: Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTHC phải bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Với mục tiêu tiếp tục thể chế hóa định hướng cải cách tư pháp và để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Luật TTHC (sửa đổi) được xây dựng nhằm mở rộng hơn nữa thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính theo hướng không loại trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức và cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện quyết định, hành vi trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Theo dự kiến thì Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND và thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của TAND theo thẩm quyền xét xử, thực hiện chế độ 2 cấp xét xử. Vì vậy, Luật TTHC (sửa đổi) phải quy định các nguyên tắc trong TTHC phù hợp với tinh thần quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Mặt khác, theo Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì TAND được tổ chức theo 4 cấp gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND sơ thẩm khu vực. Như vậy, TANDTC không còn thẩm quyền phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng… Vì vậy cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của TAND các cấp phù hợp với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND theo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính thì cần quy định tất cả các khiếu kiện hành chính đều thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về thủ tục rút gọn trong TTHC, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng: để đảm bảo giải quyết nhanh, gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng thì Luật TTHC (sửa đổi) cần quy định về thủ tục rút gọn trong TTHC tương tự như thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự. Luật TTHC hiện hành cũng đã có thủ tục đặc biệt (có nội dung rút gọn) để áp dụng với khiếu nại danh sách cử tri, nhưng cần nghiên cứu để bổ sung thêm những loại việc khác có tiêu chí cụ thể để giải quyết theo thủ tục rút gọn. Về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, theo quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013 thì “Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Với quy định này thì việc xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm phải được thực hiện kịp thời, trong một thời hạn hợp lý. Vì vậy Luật TTHC (sửa đổi) cần được quy định theo hướng đơn đề nghị giám đốc thẩm phải được gửi trong thời hạn 3 tháng  kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thời hạn giải quyết theo tình tự giám đốc thẩm là 6 tháng tiếp theo để bảo đảm cho các vụ việc được giải quyết liên tục. Đồng thời quy định Tòa án cấp giám đốc có thẩm quyền sửa bản án, quyết định đã có hiêu lực pháp luật nếu có đủ căn cứ để bảo đảm việc giải quyết không bị kéo dài và đây cũng là điều kiện để Tòa án ban hành và phát triển án lệ.

Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp 2013 thì “TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”. Cụ thể hóa quy định này, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị. Do đó, để bảo đảm tinh thần của Hiến pháp mới và để quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực sự là quyết định cao nhất thì cũng cần cân nhắc về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Riêng đối với vấn đề thi hành án hành chính, Chánh án Trương Hòa Bình cũng định hướng hai phương án. Phương án 1: Quy định việc thi hành án ngay trong Luật TTHC và thể hiện đầy đủ các quy định về thi hành án hành chính để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Phương án 2: Quy định về thi hành án hành chính bằng một văn bản luật riêng để đảm bảo tính đồng bộ, vì trong lĩnh vực thi hành án dân sự và thi hành án hình sự đều đã có luật thi hành án riêng. Nếu theo phương án này thì cùng với việc xây dựng dự án Luật TTHC (sửa đổi) cần phải xây dựng Luật thi hành án hành chính để bảm đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính khi Luật TTHC (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) cho biết: Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 12/2014, TANDTC sẽ chỉ đạo TAND các cấp  triển khai việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC hiện hành; tổ chức hội thảo về thực tiễn thi hành Luật TTHC; xây dựng đề án mô hình TTHC của Việt Nam; xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết Dự thảo lần 1, 2, 3 Luật TTHC; dự thảo tờ trình, thuyết minh; tổ chức các hội thảo tiếp thu ý kiến… Tháng 1, 2/2015, TANDTC gửi Dự thảo 3 Luật TTHC, tờ trình, thuyết minh xin ý kiến các Bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, Thẩm phán TANDTC, các TAND cấp tỉnh… để chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo lần 4, 5, đồng thời gửi Dự thảo 5 xin ý kiến Chính phủ. Tháng 3/2015, TANDTC hoàn thiện Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Mở rộng hơn thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính