Không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em gây bất bình trong dư luận nhưng lại “không tìm thấy thủ phạm”, thậm chí “chìm xuồng” một phần do không đủ bằng chứng để khởi tố, một phần vì sự im lặng của chính nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Xâm hại tình dục trẻ em: SOS!
Nạn xâm hại tình dục không chỉ xảy ra ở trẻ em nữ mà ngay cả trẻ em nam cũng là nạn nhân. Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, trung bình mỗi năm có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Từ 2011-2015, trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam.
Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ...
Báo động tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng
Theo báo cáo từ Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho thấy 93% trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục từ người quen. Trong đó, 47% kẻ xâm hại chính là những người trong gia đình hoặc có quan hệ họ hàng, và phần lớn vụ việc xảy ra ở những địa điểm được coi là an toàn như trường học, khu dân cư hoặc trong chính nhà nạn nhân. Đáng buồn là số vụ giành lại sự công bằng cho nạn nhân là rất hiếm hoi, do nhiều nguyên nhân, trong đó có khả năng phản ứng chậm trễ, thiếu chủ động từ các cơ quan liên quan.
Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam. Tại Việt Nam, trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi từ 5-13.
Thực tế, thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại như vụ bé gái 9 tuổi ở Vũng Tàu tố cáo bị một người đàn ông 76 tuổi xâm hại nhiều lần; vụ bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội; vụ bé gái 7 tuổi ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tố cáo bị xâm hại ở trường; hay vụ một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Đáng chú ý, những vụ việc xâm hại trẻ em gây chấn động này mặc dù các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh và đã tiến hành khởi tố vụ án để điều tra nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được thủ phạm.
Cần những biện pháp mạnh tay
Nhìn nhận về các vụ án dâm ô với trẻ em, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, pháp luật hình sự đang có những khoảng trống trong thực thi, khiến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em kéo dài hoặc điều tra không có kết quả, gây mệt mỏi cho gia đình người bị hại, còn kẻ gây án thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn VPLS Hà Nội), tội Dâm ô trẻ em chủ yếu để lại các hậu quả về tâm sinh lý đối với sự phát triển của trẻ về sau.
Xâm hại tình dục không chỉ xảy ra ở trẻ em nữ mà trẻ em nam cũng là nạn nhân
Ông Thơm nêu quan điểm, theo quy định của phát luật, để xử lý hành vi phạm tội cần phải xem xét trên tất cả các mặt từ pháp luật đến đạo đức xã hội, hậu quả để lại. Trên thực tế, tội dâm ô trẻ em khi đã có nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, nhận diện đối tượng thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân mà chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được. Tuy nhiên trong các vụ dâm ô hiện nay, các cơ quan điều tra luôn đòi hỏi dấu vết vật chất để lại trên thân thể bị hại thì mới tiến hành khởi tố bị can.
Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì khó có thể để lại dấu vết. Đó cũng là lý do khiến những nạn nhân của dâm ô trẻ em không thể kêu cứu và không được giải quyết bằng pháp luật, trong khi đó loại tội phạm này chậm bị xử lý.
Đánh giá từ thực tiễn xét xử cho thấy, tội dâm ô chưa gây hậu quả nghiêm trọng như các tội như cưỡng dâm, hiếp dâm trẻ em - có thể dẫn đến tử hình. Xét về tội dâm ô để lại hậu quả tinh thần thì tại Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định tội danh tại Điều 116 là tương xứng đối với tội dâm ô trẻ em.
Theo Luật sư Thơm, người nào có hành vi dâm ô đối với trẻ em (trẻ dưới 16 tuổi) thì bất kể là nam hay nữ cũng bị xử phạt theo khoản 1 Điều 116 là từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 3-7 năm nếu phạm tội nhiều lần, đối với nhiều trẻ em hoặc đối với trẻ mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; tái phạm nguy hiểm. Đối với hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Chia sẻ tại tọa đàm xâm hại tình dục “Im lặng hay lên tiếng”, Luật sư Lê Văn Luân, người trợ giúp pháp lý cho gia đình cháu bé 8 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, luật hình sự quy định tấn công tình dục trẻ em là xâm hại trực tiếp đến thân thể nạn nhân thì mới cấu thành tội. Các tội như cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô hình phạt rất thấp. “Trong quá trình điều tra, cơ quan Công an trọng chứng hơn trọng cung nên nhiều vụ cần phải có chứng cứ mới điều tra, khởi tố được, dẫn đến xử lý rất chậm chạp. Nhưng dâm ô trẻ em thì nhiều khi không có dấu vết, vậy thì phải dựa vào lời khai nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, đối chất để xác định”, Luật sư Luân phân tích.
Một số chuyên gia pháp lý cũng chia sẻ, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết. Có trường hợp các cháu còn rất nhỏ tuổi, không ý thức và hiểu được những hành vi đó có phải là tội phạm hay không nên có khi sẽ không nói lại cho người lớn biết là mình đã bị hại; hoặc khi sự việc đã bị phát hiện thì chính các cháu cũng không biết hoặc không nhớ được chính xác những hành vi đã gây ra cho mình; hoặc một số cháu có thể sẽ cảm thấy xấu hổ mà không dám nói…
Nhận định về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho biết, ngoài yếu tố về luật pháp thì chính rào cản văn hóa, sự kỳ thị đối với các nạn nhân trong những vụ xâm hại tình dục đã khiến vấn nạn này ngày càng trở nên nghiêm trọng, phổ biến. “Tâm lý ngại động chạm những vấn đề tế nhị, ngại đối đầu và ngại sự đàm tiếu từ dư luận xã hội còn đặt nặng vấn đề trinh tiết và trách nhiệm của người phụ nữ trong việc gìn giữ tiết hạnh có thể làm ảnh hưởng tới tương lai của gia đình và chính nạn nhân, bởi đó là rào cản rất lớn khiến nhiều người trong cuộc không thể vượt qua để tố giác vụ việc”.
Tiến sỹ Hồng nhấn mạnh xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần.
Để giải quyết vấn nạn này, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, cần sự chung tay, hợp lực của cả cộng đồng. Trong đó không chỉ có cơ quan chức năng mà ngay chính các bậc phụ huynh cũng cần có nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục.