Sản phụ vừa mổ bắt con phải tiếp tục mổ tim

Chí Tâm| 22/07/2019 15:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là trường hợp sản phụ N.T.Đ. (33 tuổi, ngụ tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM.

Ngày 22/7, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vừa thực hiện 2 lần phẫu thuật để cứu cả mẹ lẫn con một sản phụ bị bóc tách động mạch chủ cấp hiếm gặp, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào. 

Trước đó, sản phụ N.T.Đ. đi khám thai định kỳ ở Bệnh viện Từ Dũ thì các bác sĩ nghi ngờ chị bị bệnh lý động mạch chủ cấp tính nên đề nghị chuyển viện sang Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Đ. bị bóc tách động mạch chủ ngực type A, phình gốc động mạch chủ - Hở van động mạch chủ nặng - Hội chứng Marfan - Thai 33 tuần 5 ngày chậm tăng trưởng. Các bác sĩ yêu cầu người bệnh nhập viện gấp vì tình trạng bệnh rất nguy hiểm.

TS.BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn con nên vấn đề đặt ra cho đội ngũ các bác sĩ là mổ tim trước hay mổ lấy thai trước.

Vì thai nhi là thai non 33 tuần và hiện đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, khó có thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Nếu lấy thai sớm, động mạch chủ của người mẹ đang ở trong tình trạng nguy cấp, trong lúc phẫu thuật lấy thai có thể xảy ra rất nhiều rủi ro.

Sau khi tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai ra trước rồi sau đó tiến hành phẫu thuật động mạch chủ cho người mẹ.

Sản phụ vừa mổ bắt con phải tiếp tục mổ tim

Ê-kíp mổ bắt thai diễn ra trước ê-kíp mổ tim 1 ngày

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám Đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, khi mổ lấy thai cũng có những nguy hiểm, vì trong quá trình mổ sẽ gây một tác động lớn lên người mẹ, huyết áp có thể thay đổi lên xuống, động mạch chủ có thể vỡ ra ngay trong lúc mổ.

“Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị các ê-kíp sẵn sàng, nếu trong trường hợp người mẹ bị vỡ mạch máu trong lúc lấy em bé thì sẽ tiến hành ngay việc phẫu thuật cho người mẹ”, PGS Định cho hay.

Sau đó, ê-kíp Khoa Phụ sản thực hiện mổ lấy thai cho sản phụ tại phòng mổ tim (mổ ngang đoạn dưới tử cung lấy thai, thắt động mạch tử cung 2 bên dự phòng), bên cạnh là ê-kíp mổ tim, sẵn sàng thực hiện phẫu thuật tim bất cứ lúc nào.

May mắn quá trình mổ lấy thai diễn ra thuận lợi, một bé gái khỏe mạnh nặng 1,8kg ra đời, được chuyển đến nằm phòng dưỡng nhi.

Sau một ngày nghỉ ngơi, các bác sĩ tiếp tục mổ tim, thực hiện thay gốc động mạch chủ, đặt stent graft động mạch chủ ngực cho người mẹ. Ca phẫu thuật đã thành công trong sự hân hoan của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế. Một tuần sau phẫu thuật, chị Đ. phục hồi theo hướng tích cực và đang tiếp tục nằm viện để theo dõi.

Theo PGS Nguyễn Hoàng Định, người bệnh bị dãn động mạch chủ do hội chứng Marfan, dãn toàn bộ gốc động mạch chủ, đường kính dãn lên tới 7cm, việc có thai là yếu tố thúc đẩy, khởi phát gây ra biến chứng rách mạch máu trên mạch máu bị yếu.

Sản phụ nên đi khám tim mạch để loại trừ những bệnh tim mạch sẵn có có thể gây biến chứng. Y văn cũng ghi nhận nhiều trường hợp sản phụ không bị hội chứng Marfan, động mạch chủ không giãn nhưng vẫn bị bóc tách động mạch chủ trong thai kỳ.

Về phương diện sản khoa cũng như chẩn đoán trước sinh, TS Trần Nhật Thăng khuyến cáo, không nên lơ là trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cũng như trước khi mang thai. Việc thăm khám giúp chẩn đoán sớm các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Như trong trường hợp này, sản phụ mang thai lần đầu có những biến chứng của bệnh bẩm sinh, đột biến gen có thể di truyền sang con với tỷ lệ 50%, vì thế em bé mới sinh của sản phụ cũng cần phải được khám và chẩn đoán sớm để có kế hoạch điều trị, tránh những tai biến bất ngờ xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phụ vừa mổ bắt con phải tiếp tục mổ tim