Phạt lỗi vi phạm vượt đèn vàng: Đảm bảo tính công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Đỗ Việt| 02/08/2016 16:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/8/2016, người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt có thể lên tới 2 triệu đồng đối với ô tô và 400.000 đồng đối với xe máy.

Người tham gia giao thông bối rối

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế cho Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016.

So với Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, Nghị định 46 có 183 hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ.

Trong đó quy định, đối với người điều khiển ôtô vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng; Mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện từ 300.000 - 400.000 đồng; Máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt là 400.000 - 600.000 đồng; Mức phạt với xe thô sơ từ 60.000 - 80.000 đồng.

Được biết, trước khi Nghị định 46 chính thức có hiệu lực thi hành, lực lượng CSGT Thủ đô đã tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho người tham gia giao thông trên 25 cụm loa để người dân có đủ thời gian tiếp cận thông tin cũng như thực hiện đúng pháp luật về trật tự giao thông.

Phạt lỗi vi phạm vượt đèn vàng: Đảm bảo tính công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Từ ngày 1/8/2016, người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ.

Trước mức phạt lỗi vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ, nhiều người tham gia giao thông tỏ ra lúng túng và bất ngờ bởi tính chất của hai màu đèn tín hiệu giao thông là hoàn toàn khác nhau, việc xử phạt lỗi như nhau liệu có đảm bảo được tính công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông? Khi được hỏi về Nghị định 46 của Chính phủ, nhiều người dân Thủ đô cho biết đã nắm được thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc, lo ngại như: Trong trường hợp xe không phanh kịp, nếu vượt đèn vàng qua vạch dừng tại các ngã ba, ngã tư  thì có bị coi là vi phạm không? Khi đang di chuyển trên đường đô thị với tốc độ cao, đèn đang màu xanh chưa đầy 1/20 giây đã chuyển sang đèn vàng, với khoảng cách 5 - 10m, người đi xe sẽ khó phanh kịp thời, việc xử phạt như vậy liệu có phù hợp? Khi gặp đèn vàng mà phanh gấp thì người đi phía sau xử lý không kịp sẽ xảy ra tai nạn?...

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Vĩnh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Sau khi đọc thông tin trên báo chí, được biết trong Nghị định 46 quy định về việc vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ. Cá nhân tôi cảm thấy hơi bất ngờ, bởi từ trước đến nay, mỗi khi đi đến các khu vực ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông thì tín hiệu đèn đỏ là cấm đi, tín hiệu đèn vàng là dừng lại, đèn xanh là được đi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số điểm nút giao thông ở Hà Nội vào các giờ cao điểm, đèn vàng thường nhấp nháy liên tục khiến người đi đường tỏ ra lúng túng bởi không biết đi hay dừng, trong trường hợp này thì phải xử lý thế nào để không bị coi là vi phạm?”.

Bên cạnh một số ý kiến tỏ ra băn khoăn, nhiều người dân đồng tình,  ủng hộ Nghị định 46 quy định việc lỗi vượt đèn vàng xử phạt như đèn đỏ là cần thiết để đảm bảo tính an toàn khi tham gia giao thông.

Không phải mọi trường hợp vượt đèn vàng đều có lỗi

Theo phân tích của một số luật sư và chuyên gia giao thông, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, người đi ô tô sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 5), người đi xe máy sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 6), người đi xe đạp sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng (điểm h khoản 2 Điều 8) là cần thiết và đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ quy định về quy tắc chung nêu rõ: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Tại Điều 10 quy định: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.

Căn cứ vào các quy định trên có thể thấy, không phải mọi trường hợp vượt đèn vàng đều có lỗi và bị xử phạt. Nếu người tham gia giao thông đi chưa đến vạch dừng nhưng đèn tín hiệu đã chuyển sang màu vàng, mà người điều khiển phương tiện cố tình đi tiếp thì mới bị phạt. Còn nếu người điều khiển phương tiện đi quá vạch dừng, lúc đó đèn tín hiệu mới chuyển sang màu vàng thì vẫn có quyền đi tiếp mà không bị phạt.

Phạt lỗi vi phạm vượt đèn vàng: Đảm bảo tính công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Nhiều người dân bối rối trong ngày đầu bị xử phạt. Ảnh Vnexpress.

Chia sẻ với báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, việc xử phạt các phương tiện vượt đèn vàng đã được quy định cụ thể trong Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chứ không phải đến thời điểm này mới xử phạt. Theo ông Hùng,  năm 2008 trước khi ban hành Luật Giao thông đường bộ, cơ quan có thẩm quyền đã tham khảo luật quốc tế và mức phạt này là do Chính phủ quy định chứ không phải Luật Giao thông quy định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nay tình hình vi phạm giao thông tại nước ta rất lộn xộn đã ở mức báo động, người dân không những coi thường vượt đèn vàng mà còn vượt cả đèn đỏ. Do đó, cần phải lập lại trật tự, xử lý nghiêm để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.

Ông Thanh cũng cho rằng, để nâng cao tính răn đe cũng như cải thiện ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng CSGT phải đóng vai trò nòng cốt, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mức phạt chủ yếu mang tính giáo dục

Trước những thắc mắc của người dân về lỗi vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 46/2016 của Chính phủ đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục. Nghị định ra đời góp phần làm giảm nguy cơ các vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng ý thức chấp hành luật của người dân khi tham gia giao thông.

“Trước đây, có hai mức xử phạt khác nhau cho hành vi vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ, nhưng với Nghị định 46 thì phạt hai hành vi như nhau. Người dân cần hiểu đúng về lỗi vượt đèn vàng. Khi đèn vàng bật, người điều khiển phương tiện phải dừng trước vạch dừng. Nếu người điều khiển phương tiện tiếp tục đi là không chấp hành quy định giao thông đường bộ và bị phạt cùng mức phạt tiền như vượt đèn đỏ. Còn trong trường hợp đèn vàng bật nhưng phương tiện đã đi vào khu vực ngã tư rồi (qua vạch dừng) thì được đi tiếp”, Thượng tá Bình chia sẻ.

Theo khảo sát của PV, trong ngày đầu tiên thực hiện, Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội đã ra quân xử phạt các lỗi vi phạm theo Nghị định mới, trong đó chủ trương vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở người dân nắm rõ luật và nâng cao hơn nữa ý thức khi tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt lỗi vi phạm vượt đèn vàng: Đảm bảo tính công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông