TP.HCM: Hơn 100 người lang thang, ăn xin đã được đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội

Tuyết Nhung(TH)| 27/12/2014 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn một cách bền vững, chính quyền TP HCM kêu gọi người dân không cho tiền trực tiếp người ăn xin mà đóng góp thông qua các tổ chức từ thiện xã hội.

Ngày 23/12, UBND TP HCM có văn bản gửi UBMTTQ thành phố, các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và UBND các quận, huyện về việc tăng cường quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi và những ngày lễ trọng đại trong năm 2015.

UBND thành phố giải thích có văn bản khẩn trên vì gần đây xuất hiện những kẻ xin ăn giả dạng người cao tuổi bán tăm bông, tu sĩ khất thực, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố... để xin tiền, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố. Vì vậy, việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, không nơi cư trú được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn.

TP.HCM: Hơn 100 người lang thang, ăn xin đã được đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội

UBND TP HCM kêu gọi người dân không nên cho tiền trực tiếp người ăn xin. 

UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác thông tin, vận động người dân không cho tiền trực tiếp những người lang thang xin ăn; vận động người dân có lòng hảo tâm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa… đóng góp hỗ trợ thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ chức từ thiện xã hội.

Ban tôn giáo Thành phố được yêu cầu làm việc và đề nghị các tổ chức tôn giáo (Thành hội Phật giáo, Tòa Tổng Giám mục thành phố…) phối hợp thực hiện chủ trương giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; phổ biến đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của thành phố là "không cho tiền người xin ăn".

Đồng thời, đề nghị Thành Hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực, tránh tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn (khất thực) lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền. Phối hợp với chính quyền địa phương tập trung người xin ăn trong khuôn viên đền, chùa, nơi tổ chức hoạt động tôn giáo.

Đến chiều 26.12, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết 21 ngày qua các quận, huyện đã đưa hơn 100 người lang thang ăn xin vào Trung tâm hỗ trợ xã hội (trực thuộc sở) để tiến hành lập hồ sơ phân loại.

Với những người có nơi cư trú nhất định hoặc có người bảo lãnh thì đưa về địa phương nơi cư trú hoặc giải quyết hồi gia; còn không sở sẽ ra quyết định tiếp nhận vào Trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề... Toàn bộ chế độ, kinh phí cho nhiệm vụ này do ngân sách TP chi trả.

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo cuối năm 2014, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM, khẳng định đến trước Tết Nguyên đán 2015 trên địa bàn TP sẽ vắng bóng người nghiện và ăn xin.

Sau 21 ngày ra quân (từ 5.12) đưa người nghiện ma túy đi cai, các xã, phường, thị trấn đã phát hiện 2.458 người nghiện, đưa 1.413 người vào các cơ sở xã hội; chuyển hơn 1.000 người là vị thành niên, phụ nữ mang thai và người có nơi cư trú ổn định về địa phương để tiếp tục xử lý theo quy định; đồng thời chuyển 277 hồ sơ về người nghiện sang TAND quận, huyện để áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Theo ông Luận, tình hình tội phạm hình sự, đặc biệt là trộm cắp, cướp giật ở các quận, huyện trên địa bàn TP giảm rõ rệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Hơn 100 người lang thang, ăn xin đã được đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội