Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm: Thực thi pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền con người

Lan Hương| 27/12/2014 09:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đóng một vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, đến nay nhiều quy định không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các nội dung còn thiếu.

Những kết quả quan trọng

 Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, qua 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, công tác đấu tranh triệt phá các tụ điểm mại dâm được các cơ quan quan tâm và triển khai quyết liệt, trong đó đã khởi tố điều tra truy tố 7.700 vụ với 10.354 bị can, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 7.582 vụ với 10.320 bị cáo. Cơ quan chức năng  truy quét, triệt phá 11.926 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 48.883 đối tượng, xác lập đấu tranh 94 chuyên án, triển khai 264 kế hoạch nghiệp vụ. Bắt giữ xử lý 831 vụ với 1.176 đối tượng môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm, giải cứu 1.992 nạn nhân, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Bên cạnh công tác kiểm tra, đấu tranh triệt phá, các cơ quan chức năng còn đẩy mạnh công tác giáo dục, chữa trị, hỗ trợ người bán dâm, trong đó đã hỗ trợ cho 30.550 lượt người bán dâm. Xây dựng được 1.087 mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng, trong đó đã hỗ trợ, tư vấn cho 352.728 lượt người bán dâm. Hỗ trợ cho 6.862 người tham gia học nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ vay vốn sản xuất...

Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm: Thực thi pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền con người

 Một phiên tòa xét xử các bị cáo về tội môi giới mại dâm

 Qua 10 năm thi hành Pháp lệnh, công tác phòng ngừa mại dâm đã giúp hàng trăm nghìn chị em phụ nữ nghèo tạo việc làm, ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình lồng ghép phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ cao được phổ biến, nhân rộng ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ... Nhiều địa phương đạt trên 80% số xã, phường duy trì không có tệ nạn mại dâm như Yên Bái, Bắc Cạn, Hà Nam, Quảng Ninh, Nam Định.... Từ năm 2003 đến nay, Đội kiểm tra liên ngành về phòng chống tệ nạn mại dâm đã kiểm tra trên 600 nghìn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó phát hiện trên 172 nghìn cơ sở vi phạm; truy quét, triệt phá hơn 11,5 nghìn vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 47 nghìn đối tượng. Công tác giáo dục, chữa trị, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng được thực hiện chủ yếu tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội. 100% đối tượng vào trung tâm được khám chữa bệnh, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm, giáo dục hành vi nhân cách và tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Cần ban hành Luật Phòng, chống mại dâm

 Như vậy, có thể khẳng định: hơn 10 năm qua, triển khai thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, công tác phòng, chống mại dâm đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa được quan tâm đầy đủ. Việc tuyên truyền còn mang tính hình thức. Nhiều địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm; thiếu sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan.

Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đóng một vai trò quan trọng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay nhiều quy định không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, cần bãi bỏ; sửa đổi bổ sung các nội dung còn thiếu. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật phòng, chống mại dâm để phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật cần tập trung theo hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại của mại dâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những người là nạn nhân nhưng không vì thế mà hình sự hóa người mua dâm.

 Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Phạm Thị Hải Chuyền, thời gian tới, với quan điểm lấy phòng ngừa là chính, công tác phòng, chống mại dâm cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho công tác phòng, chống mại dâm; nghiên cứu xây dụng Luật Phòng, chống mại dâm; Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác phòng, chống mại dâm ở các cấp, các ngành và toàn thể xã hộ; Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội phát triển để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hộ;

Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm; Kiện toàn và tăng cường hoạt động của ủy ban Quôc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thông qua việc thực hiện tốt quy chế hoạt động của ủy ban, nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan thành viên và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Việt Nam vẫn kiên định không công nhận mại dâm và coi đây là việc làm bất hợp pháp. Song song với phòng, chống mại dâm, chúng ta phải thực thi pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền con người và nhân phẩm của họ. Chính phủ sẽ sớm trình Luật Phòng, chống mại dâm để Quốc hội thông qua trên cơ sở tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành; các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề tồn tại đồng thời với lấy ý kiến đông đảo nhân dân tham gia góp ý trước khi hoàn thiện luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm: Thực thi pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền con người