Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như tiên phong, năng động, đi đầu trong công cuộc tái thiết, đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội kể từ sau Ngày lịch sử 30/4/1975 - Ngày thống nhất đất nước.
Quá khứ đã lùi xa, nhưng tôi vẫn không quên được chiều ngày mùng 01/5 năm ấy, tôi có mặt tại Dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất. Khi chiếc xe tăng 390 của Quân đoàn 2 húc tung cánh cửa sắt dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 thì chúng tôi đang chốt chặn lộ 4 (quốc lộ 1 hiện nay) và giải phóng thị xã Tân An (Long An).
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những hình ảnh, âm thanh của Thành phố mới giải phóng vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi. Chúng tôi có may mắn, sau ngày Thành phố giải phóng (30/4/1975) được ở lại làm công dân của thành phố. Thay vì có tên trong danh sách liệt sĩ tại đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Long An), thì chúng tôi nguyên vẹn trở về tiếp tục công tác, chiến đấu, học đại học, có gia đình riêng; trở thành chồng, cha, ông nội, ông ngoại…Và như thế, gần nửa thế kỷ qua, chúng tôi là nhân chứng của quá trình xây dựng và phát triển của Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tôi nhớ không lầm, lần đầu tiên tôi nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu trong Đại hội của Đảng bộ Thành phố: Miền Nam - Thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau ai cũng biết. Nhưng TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước là mệnh đề xuất hiện sau này, đặc biệt khi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thành hiện thực.
Vì cả nước, bởi Thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là trung tâm lớn nhất về nhiều mặt của cả nước, Thành phố có truyền thống năng động sáng tạo; dẫn đầu các hoạt động thi đua yêu nước. Về kinh tế, Thành phố có vị trí đặc biệt, hằng năm đóng góp trên dưới 20% GDP của cả nước. So sánh khập khiễng, tổng thu nhập bình quân của một quận của Thành phố đã bằng hoặc hơn tổng thu nhập của một số tỉnh trong cả nước. Vì thế, TP.HCM không chỉ lo cho bản thân mình mà lo cho cả nước; nhất là khi các địa phương bạn có khó khăn.
Vì cả nước, còn thể hiện tính năng động “phá rào” của lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, đặc biệt thời kỳ trước đổi mới. Những cuộc cách mạng “phá rào” ấy đã trở thành thực tiễn để Trung ương hoạch định các đường lối, chủ trương cho cách mạng nước ta.
Không những thế, TP.HCM còn là thành phố cùng cả nước. Từ thực tiễn năng động, dám nghĩ dám làm của TP.HCM, Đảng và Nhà nước ta xây dựng nghị quyết xây dựng và bảo vệ đất nước. Đến lượt mình, TP.HCM là địa phương đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách ấy. Cùng cả nước, TP. Hồ Chí Minh tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Cùng cả nước, thành phố có mặt trên đất nước Lào, Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Cùng cả nước, thành phố có mặt tại Trường Sa góp sức bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng cả nước xóa đói giảm nghèo; chia sẻ với các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ…
Là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử của thành phố, do tính chất nghề nghiệp, tôi có dịp tiếp cận với hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của thành phố qua các thời kỳ. Mới ngộ rằng, các ông, bà ấy đã phải tự vượt lên chính mình; dám làm dám chịu trách nhiệm, vì mục tiêu xây dựng thành phố vì cả nước, cùng cả nước.
Thế nhưng, con đường đưa TP.HCM có được thành tựu như ngày hôm nay không chỉ có thảm đỏ, mà còn có những thách thức, chông gai. Thành phố cũng trải qua những "khúc trầm"...
Với truyền thống tốt đẹp và ý chí của Đảng bộ và nhân dân Thành phố; cùng sự chăm lo của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 98 của Quốc hội; sự chia sẻ của cả nước, tin rằng nhất TP.HCM sẽ lại trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới, xứng danh tên gọi "Hòn ngọc viễn đông".
Ngày nay, Đảng bộ, quân và dân Thành phố đang nỗ lực chung sức, đồng lòng, nỗ lực vươn lên, tiếp tục xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.
Đại tá Trần Thế Tuyển - Nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2024