Thiệt hại ban đầu tại các tỉnh trong tâm bão Kalmaegi

Thu Vân(TH)| 17/09/2014 15:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bão số 3-Kalmaegi sau khi đổ bộ vào đất liền đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Những con số thiệt hại ban đầu tại các tỉnh trong tâm bão đã được thống kê. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì họp trực tuyến bàn khắc phục hậu quả tại Quảng Ninh.

Thiệt hại ban đầu tại các tỉnh trong tâm bão Kalmaegi

Ảnh mây vệ tinh cho thấy bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTKTTVTƯ 

Quảng Ninh

Được xác định là nơi tâm bão số 3 đi qua, đêm 16/9, trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã có gió mạnh cấp 9, cấp 10 kèm mưa to. Nhiều cành cây bị gãy xuống đường. Việc lưu thông bằng xe máy rất khó khăn vì gió tạt. Cầu Bãi Cháy đã bị cấm lưu thông để đảm bảo an toàn. Chính quyền đã cắt điện khiến cả thành phố. Các tuyến đường hầu như không có người qua lại.

Theo thống kê sơ bộ đến đến 6 giờ sáng ngày 17/9, bão số 3 không gây thiệt hại về người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, làm 6 nhà, 3 công trình phụ bị đổ sập; 147 nhà tốc mái. 20 cột điện cũng bị bão quật đổ đêm qua. Đặc biệt, một cột ăng ten truyền hình tại xã Quảng Long (Hải Hà) cũng bị đổ. Hai trạm biến áp bị nổ cầu chì cao áp. Ngoài ra trên 5.000ha lúa, hoa màu bị đổ, gãy gập; nhiều cây xanh và tài sản khác bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra cho Quảng Ninh là khoảng 20 tỷ đồng.

Hải Phòng

Tại Hải Phòng, bão số 3 quét qua thành phố này gây gió mạnh cấp 9, cấp 10, thêm nhiều cây xanh gãy đổ, bật gốc. Một số biển quảng cáo và mái tôn bị cuốn văng đi. Các chuyến bay đi - đến sân bay Cát Bi đều bị hoãn trong ngày 17/9, cảng cũng ngừng hoạt động.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, khoảng hơn 23h ngày 16/9, đơn vị này đã cứu hộ thành công 13 ngư dân trên một tàu cá của Nghệ An bị đứt dây neo, trôi dạt tại khu vực luồng tàu vào bến tàu Việt Hải, huyện đảo Cát Hải. Trên tàu có 13 ngư dân, trong đó 2 người bị thương nặng khi dây neo bị đứt văng phải.

Sáng 17/9, Hải Phòng vẫn có mưa khá lớn. Nhiều tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Bến Bính, Nguyễn Bình, An Đà, Đông Khê... đang xảy ra tình trạng ngập lụt. Người dân phải leo lên vỉa hè để đi tránh nước ngập. Nhiều phương tiện giao thông bị chết máy giữa đường. Lực lượng công nhân môi trường đô thị Hải Phòng đang khá vất vả để tháo dỡ các nắp hố ga, giúp nước thoát nhanh, hạn chế ngập lâu, ngập sâu. Công ty cây xanh và chiếu sáng cũng đã điều nhiều nhân lực và máy móc đến những nơi có cây xanh gãy đổ để thu dọn hiện trường, đảm bảo an toàn cho người dân và giao thông.

Học sinh toàn thành phố Hải Phòng phải nghỉ học sáng nay để tránh những nguy hiểm sau bão, do các ngả đường đều ngập lụt và bị cản trở bởi cây xanh gãy đổ.

Nghệ An

Tại Nghệ An, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nên tối 16/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to. Trên địa bàn xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn, vợ chồng anh Kha Búa Thi (61 tuổi) và chị Cụt Thị Hạnh (50 tuổi, trú bản Sơn Thành, xã Tà Cạ, trên đường đi làm sát cửa khẩu Nậm Cắn trở về trú mưa gặp nạn nhưng đã được kịp thời đưa đi cấp cứu.

Theo tin mới nhận từ Trung tâm Khí tượng Thủy Văn Trung ương sáng sớm nay, lúc này bão đã đi vào đất liền. Ở đảo Bạch Long Vĩ có gió giật mạnh cấp 12, đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 11; ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió giật mạnh cấp 13; ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 9 - 10, các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật mạnh cấp 6 – 8.

Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 60 – 110mm, có nơi cao hơn như Lạng Sơn 114mm, Mẫu Sơn 254mm, đảo Cô Tô 175mm, Sơn Động 120mm, Nam Định 134mm, Thái Bình 127mm.

Bão đi vào đất liền và đang suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung du Bắc Bộ.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Sáng 17/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh về công tác khắc phục hậu quả bão số 3.

Hiện, mưa vẫn kéo dài tai Quảng Ninh, nước trên các sông dâng lên. Để đối phó với hoàn lưu bão, UBND tỉnh chỉ đạo:

- Các địa phương tiếp tục chỉ đạo kiểm tra các khu vực xung yếu, kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đặc biệt ơ các địa bàn có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, khu chan bãi thải mỏ... Khi có sự cố tập trung ứng cứu theo phương châm 4 tại chỗ.

- Tổ chức kiểm tra, xác định thiệt hại do bão. Huy động lực lượng hỗ trợ giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, khắc phục hậu quả.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên các đài phát thanh, truyền hình về các nguy cơ mưa lớn, lũ trên các sống, suối.

- Không cho người dân ra đánh cá, vớt củi, mót than trên sông, suối khi mưa lũ xảy ra.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt hại ban đầu tại các tỉnh trong tâm bão Kalmaegi