Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết thông tin trên tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 với các quận, huyện, thị xã vào chiều ngày 19/8.
Thêm 1 ca mắc Covid-19 từng đến Bệnh viện E chữa bệnh
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, theo thông tin mới nhất, Hà Nội ghi nhận 1 ca nghi nghiễm Sars-Cov-2 ở Phú Thọ có về chữa bệnh ở bệnh viện E, sau đó có về nhà người thân ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm. Trường hợp này đã có kết quả dương tính với Sars-CoV-2.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý: Dịch bệnh ở Hà Nội đã có lây lan trong cộng đồng nhưng khả năng bùng phát diện rộng là khó nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp TP đã đề ra.
Thông tin ban đầu từ phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm), trường hợp này tên L.B.N., nam, 87 tuổi, địa chỉ ở Khải Xuân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.
Ngày 10/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt và đau bụng đến ngày 12/8, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện E, Khoa khám bệnh theo yêu cầu; sau đó về nhà người thân tại địa chỉ 66 ngõ 117 Trần Cung, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm nghỉ.
Sau đó ngày 13/8, bệnh nhân nhập viện khoa C4 Gan mật, được chụp CT Scan phổi có hình ảnh viêm phổi và chuyển khoa Hô hấp ngày 15/8. Ngày 18/8, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 19/8.
“Như vậy, đến nay thành phố đã có 12 ca dương tính, trong đó 9/12 ca phát hiện tại các bệnh viện, 2/12 ca không rõ triệu chứng. Nguồn lây các ca trước đây được xác nhận từ Đà Nẵng, Hải Dương. Ca vừa phát hiện đang được giám sát, điều tra để có các giải pháp cần thiết”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.
Vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhận định, mặc dù Hà Nội đã có ca thứ phát, có hiện tượng dịch phát tán tại cộng đồng, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn, các ca mắc được phát hiện hầu hết tại các bệnh viện. Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn, thường xuyên có lượng người dân qua lại nên có nguy cơ cao dịch xâm nhập từ các tỉnh khác.
"Hiện nay, công tác phòng, chống dịch đã được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch", ông Hoàng Đức Hạnh đánh giá.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 17-19/8, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca mắc mới (2 ca tại cộng đồng là BN969, BN979 và 2 ca nhập cảnh từ Guinea Xích đạo). Tính từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội có 36 ca mắc, chưa có ca tử vong, trong đó có 11 ca ngoài cộng đồng. Hiện thành phố đã rà soát được 569 trường hợp F1, hơn 3.300 trường hợp F2 liên quan đến các ca bệnh. Số người đang cách ly tập trung là 2.169 người.
Về vấn đề rà soát người đi Đà Nẵng, đến nay có 100.178 người, trong đó số người về từ ngày 15/7 là 74.545 người (giảm hơn 2.600 người so với báo cáo trước đó). Các địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người đi từ Đà Nẵng về, đến 14h ngày 19/8 đã lấy được 66.914 mẫu, đã có kết quả 34.954 mẫu, ghi nhận 1 trường hợp dương tính (BN979). Hiện đã có 24 quận, huyện, thị xã cơ bản lấy xong mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đã lấy cho 1.109 người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Kết quả, 1.106 trường hợp âm tính, 2 dương tính (BN752, BN962), 1 trường hợp chưa có kết quả.
Về hoạt động phòng, chống dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, các bệnh viện đã thực hiện phân luồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ ngày 17-19/8, số bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở được phân luồng khám sàng lọc là 982 trường hợp; đã xét nghiệm cho 377 người là bệnh nghi ngờ, nhân viên y tế, bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Dừng hoạt động nhà hàng ăn uống không thực hiện giãn cách
Liên quan đến thực hiện công điện của UBND TP Hà Nội, quận đã có chỉ đạo các phường thực hiện nghiêm túc các nội dung. Trong sáng nay các tổ gồm công an, y tế đã đi kiểm tra, nhắc nhở đối với nhà hàng, quán ăn.
Tuy nhiên ông Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng đây là nhiệm vụ khó, với quy mô và đặc điểm của Việt Nam các nhà hàng quán ăn nhỏ, điều kiện đảm bảo giãn cach khá khó khăn.
“Nếu để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố, quận thấy rằng chỉ có đóng cửa mới đảm bảo, còn thực hiện giãn cách các lực lượng phải căng mình nhắc nhở. Khi đoàn đến nhắc các cơ sở thực hiện tốt nhưng khi đoàn đi lại không chấp hành nghiêm”, Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu giải pháp, cửa hàng nào không giãn cách thì xử lý phạt lần thứ nhất, lần thứ 2 không chấp hành thì dừng hoạt động. Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết sẽ thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần này, trong thời gian tới sẽ xử phạt nghiêm.
Báo cáo về việc có nhiều người tập trung đi lễ tại Phủ Tây Hồ vào ngày mùng 1/7 Bảy âm lịch (ngày 19/8), lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, Ban Chỉ đạo quận đã yêu cầu các phường kiểm tra các cơ sở tín ngưỡng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, có rào chắn, yêu cầu người dân giãn cách, không tập trung đông quá 30 người... Tuy nhiên, đến chiều 19/8, số lượng người đến phủ ngày càng đông, các yêu cầu liên quan đến phòng, chống dịch bị ảnh hưởng, vì thế từ 15h ngày 19/8, quận chỉ đạo phường Quảng An tạm đóng cửa phủ, hạn chế đông người. "Thời gian tới, nếu lượng người tiếp tục đến đông, quận sẽ tiếp tục đóng cửa phủ", lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.
Liên quan đến việc hạn chế tập trung đông người, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhắc nhở: “Sáng nay vẫn còn tình trạng quán nước vỉa hè trên đường Điện Biên Phủ hoạt động. Đề nghị quận Ba Đình tiếp tục rà soát và chỉ đạo quyết liệt hơn đối việc dừng hoạt động các quán nước vỉa hè, nhất là tại các xóm ngõ”.
Tại cuộc họp, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã kiên quyết xử lý những trường hợp không bảo đảm trong việc phòng, chống dịch, trong đó có hoạt động karaoke chui. Đã xử phạt 42 trường hợp vi phạm với số tiền 8,4 triệu đồng do vi phạm công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm công điện của Thành phố
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dịch bệnh ở Hà Nội đã có lây lan trong cộng đồng nhưng khả năng bùng phát diện rộng là khó nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp TP đã đề ra. Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa thực hiện biện pháp phòng chống dịch và nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm công điện của Thành phố.
Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; người có bệnh mãn tính không ra khỏi nhà; đeo khẩu trang, không tập trung đông người… Các quán bar, karaoke, vũ trường phải kiểm tra nghiêm ngặt không để tình trạng “ngoài đóng cửa, trong vẫn hát”.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải có các biện pháp phòng chống dịch; TP đã có hướng dẫn cụ thể với từng đơn vị. “Nhà hàng ăn uống cần phải thực hiện nghiêm giãn cách chỗ ngồi 1m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt cho khác, khử khuẩn; nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ. Phải kiểm tra thực hiện nghiêm. Các cơ sở nhỏ lẻ không thực hiện thì cho dừng hoạt động. Bởi đây là nơi rất dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các bài học thực tế”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở các cơ quan đơn vị hạn chế hội họp, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch; tiếp tục xử lý dứt điểm các ổ dịch; ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở các cơ sở y tế...
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm và xử lý quyết liệt các ổ dịch, truy vết nhanh các F1, F2, tránh lây lan rộng trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Về công tác xét nghiệm PCR, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết Thành phố lấy xong toàn bộ mẫu những người đi từ Đà Nẵng về, trong ngày 20-21/8, Sở y tế bám sát với cơ sở của Trung ương để có kết quả liên quan đến các mẫu xét nghiệm đã gửi để công bố đến người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế và Sở GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và khai giảng năm học mới, tổ chức đầu năm học.