Câu chuyện đầy nhân văn của cô gái hiến tạng mẹ cứu người

Bá Mạnh| 12/04/2017 09:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cô gái 19 tuổi, quê Hà Tĩnh vừa hiến tạng của mẹ đẻ để cứu người đã lay động hàng triệu trái tim trên khắp cả nước.

Cô gái nhỏ và nghĩa cử cao đẹp

Gió biển rì rào thổi suốt quãng đường nhỏ vào nhà anh Nguyễn Tiến Đường (44 tuổi, trú thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)  – cậu ruột của cô bé Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi) – người vừa có hành động nhân văn hiến tạng mẹ mình để cứu giúp người khác có cơ hội sống. Hành động của em đã viết lên một câu chuyện đẹp đẽ về tình người, tình đời trong cuộc sống hối hả xen lẫn không ít thị phi.

Ngôi nhà của anh Đường vốn đã nhỏ nay có phần nhỏ hơn khi làm nơi hương khói và cưu mang ba đứa cháu vừa mồ côi mẹ là Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi), Nguyễn Thị Lương (17 tuổi) và Nguyễn Ngọc Thùy (1 tuổi rưỡi).

Thắp nén nhang trên bàn thờ người mẹ vừa mới qua đời, Sáng bế em kể lại những ngày đầy đau thương khi mẹ em gặp tai nạn. Đó là ngày 17/3/2017, trong lúc bế con út đi ngoài đường, chị Nguyễn Thị Liễu (41 tuổi – mẹ em Sáng) không may bị xe máy tông. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ chẩn đoán mẹ em bị chấn thương sọ não nặng, không thể qua khỏi.

Câu chuyện đầy nhân văn của cô gái hiến tạng mẹ cứu người

 Em Nguyễn Thị Sáng- cô gái vừa có hành động đầy nhân văn làm lay động hàng triệu trái tim.

“Em òa khóc. Lúc đó em ước mong có một phép nhiệm màu để có thể cứu được mẹ. Nhưng điều đó là không thể. Cũng trong những giây phút tuyệt vọng đó, em thấy những bệnh nhân giống như mẹ em, người thân họ cũng đau buồn lắm. Bỗng em nhớ đến trong một lần ngồi xem chương trình “Mảnh ghép cuộc sống”, các chuyên gia y học nói rằng nội tạng của người nếu được hiến sẽ dùng cứu sống được nhiều người nên em quyết định sẽ hiến nội tạng của mẹ” - Sáng nghẹn ngào kể lại.

Đúng như các bác sĩ tiên lượng từ trước, do vết thương quá nặng nên mẹ Sáng đã qua đời. Được sự đồng ý của cô gái 19 tuổi đầy dũng cảm và nhân hậu, các bộ phận tim, thận, giác mạc… của chị Liễu đã kịp thời đến với 4 người bệnh đang nằm thoi thóp chờ sự sống, để giúp họ tái sinh.

Sau khi nội tạng mẹ đã được hiến, chị em Sáng cùng người thân đưa thi hài mẹ về mai táng tại quê nhà là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi, ba chị em Sáng tá túc trong nhà của người cậu ruột Nguyễn Tiến Đường.

“Trần gian là cõi tạm, em nghĩ mẹ em cũng đồng ý thôi…”

“Đời em gái tôi là chuỗi ngày cơ cực, giờ tôi lại sợ các cháu tôi lại tiếp nối những ngày cơ cực ấy”, anh Nguyễn Tiến Đường nghẹn ngào nói và cho biết thêm em gái anh (chị Liễu) vì nhà nghèo, ít học, lại mải lo gánh nặng cơm áo, nên khi lập gia đình với một người trong xã, chị Liễu cũng không làm giấy đăng ký kết hôn.

Kinh tế khó khăn, vợ chồng chị quyết định vào Đắk Nông lập nghiệp rồi sinh hạ cháu Nguyễn Thị Sáng (SN 1998) và Nguyễn Thị Lương (SN 2000). Năm 2014, bố Sáng nảy sinh tình cảm với một người phụ nữ khác, rũ bỏ vợ con về Bình Phước sống. Lúc này, em Lương mới học hết lớp 8, em Sáng học lớp 10.

Ba mẹ con bơ vơ giữa đất khách quê người. Năm 2015, chị Liễu quyết đi bước nữa với hy vọng mình và các con có chỗ dựa. Chị có thêm với người chồng mới một cô con gái (cháu Thùy). Nhưng ai ngờ, người chồng thứ hai này thường xuyên rượu chè, đánh đập chị Liễu.

Có lần say, ông ta còn nhốt con út trong phòng trọ, cầm dao kề cổ con dọa giết. Chịu không thấu đòn roi của chồng và lo sợ cho tính mạng các con, cuối năm 2015, chị Liễu bế con gái út xuống Bình Dương làm thuê. Sáng và em Lương ở lại Đắk Nông tự nuôi nhau ăn học. Bi kịch như chiếc bóng cứ thế bám lấy đời chị…

Câu chuyện đầy nhân văn của cô gái hiến tạng mẹ cứu người

 Sau khi mẹ mất, 3 chị em Sáng về sống chung với người cậu ruột của mình tại quê nhà Hà Tĩnh

Hành động đầy tính nhân văn của Sáng đã lay động trái tim nhiều người và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư khen. “Tôi hết sức xúc động được biết, dù đang vô cùng đau thương khi biết mẹ đẻ của mình bị tai nạn giao thông, không thể qua khỏi, cháu đã quyết định hiến tạng của mẹ để kịp thời cứu sống nhiều người khác.

Tôi trân trọng và đánh giá cao cháu, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn, mất mát của gia đình, để làm được việc đầy tình người đó; nghĩ rằng mẹ của cháu cũng hài lòng về nghĩa cử cao đẹp của con mình.

Tôi chia sẻ với cháu cùng gia đình nỗi mất mát, đau thương; mong cháu sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, làm chỗ dựa cho các em của mình trưởng thành”, trích thư Chủ tịch nước.

Cũng qua thư, Chủ tịch nước mong các cấp chính quyền, đoàn thể, bà con chòm xóm quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình cháu Nguyễn Thị Sáng vượt qua thời khắc khó khăn này.

Tôi hỏi Sáng về quyết định khó khăn khi hiến tạng của mẹ cứu người, giọng cô gái nhẹ nhàng: “Vì mẹ em khi sống cũng rất nhân hậu, dạy chúng em ở đời giúp được người cái gì thì giúp, làm phúc tích đức. Sống ở trần gian là cõi tạm, rồi cũng về với cát bụi cả nên em đã đồng ý hiến tạng mẹ để làm phúc cứu người. Em tin mẹ em ở suối vàng cũng vui và ủng hộ quyết định đó của em”.

Sáng con cho biết: “Sau này, em cũng sẽ hiến tạng. Mình không thể sống được nữa thì hiến tạng để những người khác có cơ hội được sống”.

“Hiện, em đang nương nhờ ở nhà cậu, nhưng cậu còn có các em. Em mong ước có một nơi riêng để thờ tự mẹ và một công việc đi làm kiếm tiền nuôi hai em khôn lớn đúng như ước nguyện của mẹ. Bởi lúc xảy ra tai nạn, mọi người kể mẹ đã cố ôm em Thùy vào lòng, lấy thân mình che chở nên em mới không bị sao. Em Lương học rất tốt ở lớp chọn của trường, nếu có điều kiện em sẽ cho em ấy đi học trở lại để đỡ vất vả”, Sáng tâm sự.

Trước gia cảnh bi thương và việc làm đầy tình người của em Nguyễn Thị Sáng, rất mong nhận được sự chung tay, giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ gia đình anh Nguyễn Tiến Đường (thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện đầy nhân văn của cô gái hiến tạng mẹ cứu người