Xã hội hóa để cả người giàu, người nghèo được hưởng y tế hiện đại

Chí Tâm| 07/10/2022 19:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TP.HCM là tiếp tục ủng hộ việc xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng…

Ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 1/1/2020 đến 30/6/2022 và góp ý dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) và Luật khám chữa bệnh (sửa đổi). 

thuong.jpeg
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (đứng) tại cuộc họp ngày 7/10.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, ngành y tế sau trận dịch Covid-19 vừa qua chưa kịp phục hồi toàn bộ đã đứng trước nhiều thách thức, nhiều điểm nóng. Đặc biệt là biến động nhân viên y tế công lập chưa có điểm dừng. Do đó, cần sửa luật để có cơ sở pháp lý củng cố lực lượng nhân viên y tế công lập.

Cụ thể, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, nhân sự tại các bệnh viện công lập mới chỉ tuyển dụng được trên 1.300 người, nhưng gần 400 người nghỉ việc.

Về công tác xã hội hóa y tế, người đứng đầu ngành y tế thành phố khẳng định ủng hộ việc này và mong muốn thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vững chắc cho hoạt động khám chữa bệnh… Thành phố luôn khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp xây dựng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng.

"Nếu xã hội hóa mà để người nghèo ngồi ở máy bay cũ, người giàu ngồi máy bay mới thì không ổn", ông Thượng giải thích khi đề cập người bệnh nghèo hay giàu đều hưởng lợi như nhau khi khám chữa bệnh, và cho rằng ngành y tế hiện nay nếu không có sự đóng góp từ các nguồn lực của xã hội sẽ rất khó phát triển.

Giải thích cụ thể hơn về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, để xã hội hóa bền vững, công bằng, công khai với người bệnh thì cần có khung giá thu tính đúng tính đủ, không phân biệt người bệnh của công lập và xã hội hóa, chỉ có khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căn tin, giữ xe, giặt giũ… tùy theo điều kiện kinh tế của người bệnh và đơn vị quản lý, vận hành các dịch vụ này.

Điều này có nghĩa nếu cơ sở khám chữa bệnh ví như một máy bay, để bước lên máy bay đó thì giá vé như nhau, ở mức cơ bản. "Máy bay vẫn có ghế hạng thương gia. Ngoài những phục vụ cơ bản, ai có nhu cầu về dịch vụ cao hơn, tiện ích hơn có thể chọn thêm tùy theo khả năng, điều kiện từng người", ông Dũng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa để cả người giàu, người nghèo được hưởng y tế hiện đại