Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, mới đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân. Trong khi đó, các tổ chức Quốc tế khuyến nghị chỉ tiêu này cần đạt 39/10 vạn dân.
Đây là con số được công bố trong Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động và khám chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, sáng ngày 16/9.
Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động và khám chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2008 đến nay, cả nước có 610/760 bệnh viện từ tuyến Trung ương đến địa phương được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ nhân dân. Có thể kể đến như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 1, 2, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế…
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, vào quý I năm 2016, tại Hà Nội và TP. HCM sẽ có thêm 5 bệnh viện tuyến Trung ương được đưa vào sử dụng. Mặc dù ngành y tế đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư rất lớn nhưng tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân hiện nay mới đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân. Con số này thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của các tổ chức Quốc tế.
Con số trên đã phản ánh thực trạng quá tải tại hầu hết các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến địa phương. Tình trạng bệnh nhân nằm ghép, công suất sử dụng giường bệnh không đủ đáp ứng nhu cầu diễn ra nhiều năm nay. Đó là còn chưa kể đến các điều kiện vệ sinh môi trường, xử lý chất thải y tế tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo; cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.
Đứng trước thực trạng trên, Chính phủ đã cho phép bệnh viện công được liên doanh, liên kết dưới hình thức góp vốn với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn của ngành y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để ngành y tế phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sứa khỏe cho người dân và phát triển lâu dài, bền vững thì xã hội hóa y tế là cần thiết và phải đẩy mạnh hơn nữa.