Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm “Thực trạng xã hội hóa y tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay, giải pháp chính sách giai đoạn 2015 - 2020” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực y tế.
Ông Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng chủ tọa buổi tọa đàm.
Chủ trương lớn
Tọa đàm “Thực trạng xã hội hóa y tế ở Việt Nam - Giải pháp chính sách giai đoạn 2015 - 2020” nhằm thống nhất cách tiếp cận về xã hội hóa công tác y tế; nêu lên những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng và đánh giá đúng thực trạng xã hội hóa y tế ở nước ta trong thời gian qua, trên cơ sở đó kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân,… tạo mọi điều kiện để người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ của xã hội.
Khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Văn Cương nhấn mạnh: “Xã hội hóa y tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong một số văn kiện của Đảng, Quốc hội và quy định cụ thể tại một số nghị định của Chính phủ. Trong khi ngân sách hạn hẹp, nếu không có xã hội hóa y tế qua các hình thức góp vốn, liên doanh, liên kết đặt thiết bị, vay vốn ngân hàng thì trang bị kỹ thuật và trình độ chuyên môn y tế của Việt Nam chắc chắn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân”.
Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, Nhà nước đã dành hơn 22.000 tỷ đồng cho các cơ sở y tế. Xã hội hóa y tế đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, giảm tử vong, giúp trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam dần tiến bộ ngang với các nước trong khu vực, hạn chế được việc đi chữa bệnh ở nước ngoài, giảm sức ép cho ngân sách. Xã hội hóa y tế gồm nhiều mặt, nhiều hình thức, trong đó BHYT là loại hình chủ chốt. Trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, xã hội hóa y tế có vai trò quan trọng, do vậy phải có cái nhìn khách quan, khoa học, khắc phục những lệch lạc với chủ trương đúng đắn của Đảng.
Vai trò “bà đỡ” của Nhà nước
TS. Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bên cạnh ngân sách nhà nước, việc thực hiện bảo hiểm y tế là một loại hình quan trọng và chủ chốt của xã hội hóa y tế. Đến nay đã có trên 70% dân số có bảo hiểm y tế và nguồn bảo hiểm y tế đã chiếm 70-80% kinh phí của các bệnh viện, trong đó có 42% phí bảo hiểm y tế là từ ngân sách hỗ trợ các gia đình chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, còn 58% là do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng góp. Điều đó đã chứng minh cho sự thành công của xã hội hóa y tế qua phát triển bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Tiên cũng thừa nhận, xã hội hóa y tế cũng bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế, như chưa thể hiện mặt tích cực của xã hội hóa; tại các bệnh viện công, do đẩy mạnh xã hội hóa, tổ chức lẫn lộn khu dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và theo thẻ bảo hiểm y tế nên tạo hình ảnh tương phản giữa hai loại hình dịch vụ y tế này, gây ra dư luận không đồng tình về chủ trương xã hội hóa trong các bệnh viện công... Vấn đề xã hội hóa y tế có hai mặt: tích cực và tiêu cực, cho nên cần nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và công bằng.
Theo ông Tiên, để hạn chế tiêu cực xã hội hóa tại bệnh viên công, cần phải tiến tới tách biệt các dịch vụ công với dịch vụ xã hội hóa ở các địa điểm riêng, kiểm soát chặt chẽ tài sản,.... Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế cho các bệnh viện vay vốn với lãi suất ưu đãi, có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các bệnh viện để đầu tư nâng cấp, áp dụng cơ chế giá dịch vụ y tế hợp lý...
Còn theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cần thống nhất quan niệm và cách ứng xử đối với y tế tư nhân. Phối hợp công – tư là cách tiếp cận nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe công cộng thông qua các nỗ lực kết hợp giữa các tổ chức phát triển nhà nước và tư nhân bổ trợ lẫn nhau qua năng lực của mình, trong đó các đối tác nhà nước và tư nhân phối hợp tham gia trong việc xác định mục tiêu, phương pháp và việc thực thi các thỏa thuận phối hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển hỗ trợ lẫn nhau cho y tế công – tư và nâng cao năng lực và công cụ quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế tư nhân. Đây là một cách tiếp cận nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng thông qua các nỗ lực kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân nhằm bổ trợ lẫn nhau qua năng lực của mình.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, đối với vấn đề xã hội hóa y tế, Việt Nam cần có chiến lược và nhiều giải pháp khác nhau để đẩy mạnh hoạt động này.
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương khẳng định, xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Cần phải nghiên cứu chính sách một cách hết sức thấu đáo để phát huy được hết các nguồn lực. Làm thế nào để công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn, điều đó được hỗ trợ rất lớn bởi xã hội hóa. Nhiều ý kiến cho rằng những thiết bị hiện đại đã nâng cao được chất lượng chữa bệnh cho nhân dân tốt hơn, tuy vậy, cần phải có những chính sách tốt hơn để thay đổi mô hình, đổi mới tư duy chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta phải xác định đúng vai trò “bà đỡ” của nhà nước, thông qua công tác kiểm tra để chấn chỉnh những lệch lạc.
TS. Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Xã hội hóa y tế cũng bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế… Để hạn chế tiêu cực xã hội hóa tại bệnh viên công, cần phải tiến tới tách biệt các dịch vụ công với dịch vụ xã hội hóa ở các địa điểm riêng, kiểm soát chặt chẽ tài sản… |