Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại các nước sẽ còn tăng, đặc biệt ở những nước sớm gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong báo cáo ngày 16/3, WHO cho biết, sau nhiều tuần giảm liên tục, số ca Covid-19 toàn cầu tuần qua đã tăng 8%, với hơn 11 triệu ca nhiễm, hơn 43.000 ca tử vong.
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới tuần qua thậm chí tăng 29%. Ca Covid-19 ở khu vực này tăng trở lại từ cuối tháng 12 năm ngoái và hiện giờ Tây Thái Bình Dương vượt châu Âu trở thành điểm nóng bùng dịch.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo tỷ lệ xét nghiệm đang giảm, có nghĩa số trường hợp dương tính mới được báo cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng".
"Chúng tôi biết rằng khi ca nhiễm gia tăng, số người tử vong tăng theo", ông nói. Đồng thời, ông lưu ý về tỷ lệ tử vong "cao đến không thể chấp nhận" ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nơi có độ phủ vaccine thấp. Ông kêu gọi các quốc gia cảnh giác bởi đại dịch chưa kết thúc.
Bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO cho biết, BA.2 (còn gọi là Omicron "tàng hình") có thể là biến chủng lây truyền nhanh nhất hiện nay. Và các yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hiện nay là việc các nước gỡ bỏ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tại các nước.
Thêm vào đó, việc các nước chưa hoàn tất chiến dịch tiêm chủng bao phủ và cụ thể là nhóm người có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh trầm trọng hơn.
Yếu tố thứ 3 theo bà khiến số ca lây nhiễm gia tăng là những thông tin sai lệch cho rằng Omicron chỉ là biến thể nhẹ và dịch đã qua đi.
Bà Maria van Kerkhove nhấn mạnh thế giới cần một hệ thống giám sát mạnh mẽ dịch Covid-19 và bất chấp tất cả những thách thức mà các nước đang phải đối mặt, cần duy trì tiến hành các xét nghiệm thường xuyên.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết thế giới có đủ công cụ để kiểm soát Covid-19 như khẩu trang và vaccine. Bà nhận định các nước cần tiếp tục thúc đẩy hai chiến lược này để cứu nhiều mạng sống.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu.
Đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 463 triệu ca nhiễm, hơn 6 triệu ca tử vong. Nhiều nước trên thế giới đã dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ các biện pháp phòng dịch, mở cửa trở lại sau hơn 2 năm do số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 giảm đáng kể.
Tuy vậy, WHO cảnh báo, Omicron không phải là biến chủng cuối cùng, thế giới vẫn có thể phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn.