Vượt "bão" Covid-19, TAND triển khai nhiều biện pháp đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu

Mạnh Hùng - Thảo Nguyên| 09/01/2022 10:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2021, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19, ngành Toà án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Sáng 9/1, TANDTC đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác Tòa án năm 2022. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu trong hệ thống Tòa án.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TANDTC cho biết, năm 2021, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19. Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

194aa6230544c81a9155.jpg
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TANDTC

Toà án đã giải quyết được 436.660 vụ việc

Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, trong thời gian từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%); số vụ việc đã thụ lý giảm 64.675 vụ việc, đã giải quyết giảm 107.944 vụ việc nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Trong đó các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Các Tòa án đã thụ lý 88.607 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo (đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo).

Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên,…

Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng. Các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức 8.965 phiên tòa rút kinh nghiệm. Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác đặc xá dịp 02/9/2021.

Các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Các Tòa án đã thụ lý 411.299 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 324.813 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%). Chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan; làm tốt việc hướng dẫn đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu vụ án.

Các Tòa án đã tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; TANDTC đã ban hành 03 Thông tư, 01 tập Giải đáp và nhiều văn bản hướng dẫn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật; xuất bản cuốn Thông tin khoa học xét xử chuyên đề về hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Học viện Tòa án đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 2.000 người để xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được gần 3.000 Hòa giải viên. Tính đến ngày 30/9/2021, các Tòa án nhận được 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại; trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 28.004 đơn, đã hòa giải, đối thoại thành 13.279 vụ việc, đạt tỷ lệ 58,31%. Tuy nhiên do luật mới có hiệu lực và ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng làm hạn chế đến kết quả hòa giải.

z3093471364082_c68d2f930823f6fb8b0b5d4fd6bdb716.jpg
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác Tòa án năm 2022

Về giải quyết các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 10.728 vụ; đã giải quyết, xét xử được 5.693 vụ (đạt tỷ lệ 53,1%). Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính.

Tính đến ngày 30/9/2021, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, không có bản án, quyết định hành chính phải giải thích hoặc kháng nghị do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Các Tòa án đã ban hành 107 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các Tòa án đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với 25.894/26.024 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,5%. Hiện nay, TANDTC đang tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Cũng theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, việc thi hành án hình sự, đảm bảo kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 88.561 người, đạt tỷ lệ 99,5%.

Về việc miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, các Tòa án đều xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các tài liệu, hồ sơ có liên quan, đảm bảo đúng pháp luật. Đã xét miễn, giảm 4.830 trường hợp với trị giá trên 19 tỷ đồng.

Về giải quyết các yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, được thực hiện khẩn trương, bảo đảm khách quan, thận trọng, công bằng, minh bạch. Các Tòa án đã thụ lý 07 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; bên cạnh đó đã thụ lý 30 vụ mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết được 16 vụ.

Nói về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng và công tác kiểm tra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp cao phải giải quyết là 14.371 đơn/vụ; đã giải quyết được 7.969 đơn/vụ; đạt 55,5%. Trong đó, TANDTC giải quyết được 2.302/3.186 đơn/vụ, đạt 72,3%; các TAND cấp cao giải quyết được 5.667/11.185 đơn/vụ, đạt 50,7%). Trong tổng số 7.969 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 7.512 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 457 đơn/vụ.

Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm. Việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng, tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm có căn cứ, khách quan, thận trọng và trách nhiệm. Các Tòa án đã giải quyết 4.942/5.211 đơn khiếu nại quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 94,8%.

Việc thanh tra, kiểm tra công tác chuyên môn, TANDTC đã có văn bản chỉ đạo Chánh án TAND và TAQS các cấp tiến hành rà soát, tự kiểm tra việc khắc phục các hạn chế, thiếu sót tại các Tòa án thuộc quyền quản lý. Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường.

img_2167.jpg

Xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật

TANDTC đang tích cực nghiên cứu dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội vào năm 2022. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử tội phạm tham nhũng và chức vụ; Nghị quyết hướng dẫn về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và ban hành hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, chỉ đạo áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử các loại tội phạm này.

Chánh án TANDTC đã ban hành 03 Thông tư. TANDTC đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 04 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch. TANDTC đã công bố thêm 04 án lệ. Trong năm qua, có hơn 200 bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

90% Thẩm phán tham gia cấp ủy

Về công tác xây dựng Đảng, Ban cán sự đảng TANDTC đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong TAND nghiêm túc tham gia đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ban cán sự đảng TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2021 - 2026; ban hành Kế hoạch số 03-KH/BCSĐ ngày 03/6/2021 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị, Kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong TAND, Tổ chức đảng Tòa án các cấp đã chủ động lựa chọn, giới thiệu nhiều Thẩm phán ưu tú tham gia cấp ủy. Kết quả tại Đại hội đảng các cấp đã giới thiệu và được Đại hội tín nhiệm bầu 677 Thẩm phán tham gia cấp ủy, đạt tỷ lệ gần 90%.

Nói về công tác Hội thẩm TAND, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng cho biết, TAND hiện có 16.842 Hội thẩm nhân dân. TANDTC đang nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ luôn được chú trọng; tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức theo hướng tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến và tự đào tạo từ thực tiễn xét xử thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm. Tổ chức tốt các khóa đào tạo các chức danh tư pháp; tăng cường bồi dưỡng cho các Hội thẩm nhân dân. Công tác tuyển sinh đại học năm học 2020-2021 đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng theo quy định…

Hoàn thành tốt mặt công tác khác với chất lượng cao

Bên cạnh dó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng cho biết thêm, công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. TANDTC tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ) lần thứ 8 theo hình thức trực tuyến. Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch CACJ nhiệm kỳ 2020-2021; triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế theo đúng tiến độ.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục tập trung vào việc thực hiện mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”; đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đề xuất Quốc hội cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn do tác động của đại dịch Covid-19 và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, đã công bố được hơn 750.000 bản án, quyết định với hơn 113 triệu lượt người truy cập.

Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng thông tin, đảm bảo tôn chỉ mục đích. Công tác phối hợp cung cấp thông tin và đăng tin được thực hiện đúng quy định, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện, Hội nghị của hệ thống Tòa án.

Công tác thi đua khen thưởng được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm khen đúng người, đúng việc, đúng thành tích; phát động các phong trào thi đua với mục tiêu bám sát nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu của Tòa án đề ra; tỷ lệ các bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án vẫn còn cao; tỷ lệ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn thấp, tiến độ giải quyết còn chậm; vẫn còn để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; chưa khắc phục triệt để việc bản án, quyết định tuyên không rõ; một số Tòa án còn chậm chuyển hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của Viện kiểm sát và Tòa án…

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, TANDTC đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là các nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức, cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của nhân dân đối với Tòa án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

6 nhiệm vụ công tác Toà án trong năm 2022

Một là, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp.

Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra.

Ba là, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật được Quốc hội giao. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.

Bốn là, triển khai nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách tư pháp trong TAND, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của Tòa án nhân dân các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Tòa án điện tử; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch hoạt động của Tòa án.

Cuối cùng là làm tốt công tác xây dựng Đảng; thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng chỉnh đốn Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt "bão" Covid-19, TAND triển khai nhiều biện pháp đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu