Âm nhạc - Phim

Vướng mắc trong khắc phục 300 phim nhựa hỏng ở Hãng Phim truyện Việt Nam

Minh Anh 02/04/2023 15:30

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã có phản hồi về việc 300 phim ở kho Phim truyện Việt Nam bị hư hỏng nặng. Theo đó, ông Thành cho biết, không cần thiết in phục hồi những phim này vì bản gốc đã lưu ở Viện phim.

Tập thể Hãng phim truyện Việt Nam cũng gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trình bày về việc Công ty Vận tải thủy Vivaso "do thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm", đã không sửa hệ thống điều hòa bảo quản lạnh của kho phim thuộc Hãng phim truyện Việt Nam trong nhiều tháng.

Hậu quả là 300 bản phim gốc dương bản, bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam cho tới ngày nay đã bị hủy hoại, mốc, dính bết không thể sử dụng được nữa.

Họ đề nghị Bộ nghiên cứu chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của kho phim, đưa ra hướng xử lý. Nhiều người cho rằng phương án tối ưu là công ty Vivaso - hiện là nhà đầu tư chiến lược, nắm 65% cổ phần hãng phim - in lại toàn bộ bản bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và chuyển cho Chính phủ quản lý.

Đến tối 1/4, trên báo Văn Hóa - cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã phản hồi về vấn đề này.

Ông Thành cho biết, ông thấu hiểu tâm trạng bức xúc của nghệ sĩ nhưng nhận định việc họ kiến nghị Vivaso in lại toàn bộ phim theo đúng tiêu chuẩn quốc tế là "chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn và không phù hợp quy định của Luật Điện ảnh".

kho-phim.jpg
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói không cần thiết in phục hồi 300 phim hỏng nặng ở Hãng Phim truyện vì bản gốc đã lưu ở Viện phim.

Từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất đến khi Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị sản xuất, không phải cơ sở lưu trữ. Luật Điện ảnh quy định Viện phim Việt Nam là cơ sở duy nhất lưu trữ phim ngành văn hóa.

Theo đó, ông Thành cho biết: "Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện phim. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh Cách mạng khi tạm lưu ở hãng là những bản phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim.

Với đặc thù phim nhựa, khi sản xuất xong, bản positive hoàn chỉnh được gửi một bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh, một bản lưu trữ tại Viện phim. Sau thời hạn lưu chiểu, bản phim tại Cục Điện ảnh được đưa về lưu tại Viện phim".

Cục trưởng Cục điện ảnh cho biết, với đặc thù phim nhựa, mỗi phim có cả bản gốc negative hình (màu hoặc đen trắng) và bản positive (hoàn chỉnh) chuẩn màu và hình. Bản ở Viện phim là bản hoàn chỉnh, đã được định sáng, chỉnh màu, đồng bộ tiếng.

"Hiện nay các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị", ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (tên trên giấy tờ của Hãng Phim truyện Việt Nam) - cho biết: "Chúng tôi không được giao nhiệm vụ và cũng không đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật để lưu trữ các cuộn phim nhựa lâu dài. Việc lưu giữ các cuốn phim này của công ty nhằm mục đích kinh doanh, phổ biến phim theo chức năng. Những tác phẩm này trước đây đã được chiếu nhiều lần, hiện không đủ chất lượng để chiếu và cũng không còn nơi nào sử dụng máy chiếu phim nhựa. Công ty đã chuyển toàn bộ phim thành dạng file để lưu giữ tại các ổ cứng".

Ông Thắng nói thêm, kho phim của Hãng Phim truyện là tài sản thông thường để khai thác, không phải di sản hay tài liệu quý của Nhà nước cần bảo tồn. Việc bảo tồn bản gốc thuộc trách nhiệm của Viện phim Việt Nam.

Liên quan đến những tồn tại trong vụ việc trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Người đứng đầu Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.

Thủ tướng đồng thời chỉ đạo các cơ quan tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại liên quan Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc trong khắc phục 300 phim nhựa hỏng ở Hãng Phim truyện Việt Nam