Âm nhạc - Phim

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Minh Anh 25/03/2023 20:31

Trong họp báo thường kỳ quý 1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim truyện Việt Nam (Hãng phim) được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...

Tuy nhiên hiện nay, nơi từng có 600 nghệ sĩ cùng công nhân, cán bộ mỗi năm đã làm chục bộ phim, đang rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát khiến khán giả xót xa.

Sự việc bắt đầu từ năm 2016, khi đơn vị chào mời cổ phần hóa, được Tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại hồi 6/2017. Ba tháng sau, nghệ sĩ và ban lãnh đạo Hãng phim nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim.

Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.

Tháng 8/2022, Bộ VH,TT&DL tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.

phim2.jpg
“Bao giờ cho đến tháng 10” được CNN bình chọn top 18 phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Ảnh: Tư liệu của Hãng phim truyện Việt Nam

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1, Bộ VH,TT&DL cho biết, nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không hợp tác tích cực trong việc thoái vốn Hãng phim truyện Việt Nam dẫn đến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.

"Cho đến nay, Tổng công ty vận tải thủy vẫn chưa ra văn bản tính toán các chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để thực hiện thủ tục hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam", bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ VH,TT&DL) nói.  

Theo bà Chi, mặc dù nhà đầu tư chiến lược không có những hợp tác tích cực nhưng phía Bộ VH,TT&DL đã có những văn bản, dự thảo quyết định lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kiến nghị và phương thức xử lý sự việc này. 

Hai cơ quan trên cũng có ý kiến rằng, Bộ VH,TT&DL không thể đơn phương thực hiện thu hồi cổ phần đã bán cho Vivaso mà không có sự thống nhất, thỏa thuận với đơn vị này. 

"Nếu nhà đầu tư chiến lược đưa ra con số cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó sẽ đưa vào dự toán chi hàng năm của Bộ VH,TT&DL. Tất cả đều phải có quy trình", bà Chi khẳng định. 

phim3.jpeg
300 phim lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam bị hư hỏng. (Ảnh: PLO)

Về bản quyền phim của Hãng phim truyện Việt Nam, bà Chi cũng nói "mọi người có thể yên tâm", không có việc các phim của Hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản copy. 

Bà Chi nói thêm: "Hãng phim truyện Việt Nam có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam