Nhịp cầu Công lý

Vụ vi phạm quy định về cho vay tại Cần Thơ: Yêu cầu định giá lại tài sản thế chấp được thực hiện ra sao?

K.Nguyên 10/08/2024 - 17:28

Vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Cần Thơ đã kéo dài gần 10 năm, trải qua nhiều phiên tòa và nhiều lần điều tra bổ sung khác nhau. Một trong số những nội dung được yêu cầu điều tra bổ sung là làm rõ mâu thuẫn về việc thửa đất là tài sản thế chấp được Hội đồng định giá xác định giá trị thấp hơn rất nhiều so với số liệu nêu trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Vì sao cần định giá lại?

Như Công lý đã thông tin, Cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ cáo buộc hành vi phạm tội của các bị can như sau: Cuối năm 2011, đầu năm 2012 Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) trụ sở tại TP Vị Thanh, Hậu Giang và các cán bộ Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải (Giám đốc), Trần Huy Liệu (Phó Giám đốc), Bùi Tuấn Anh (Trưởng phòng tín dụng) đã bàn bạc, thống nhất cho Công ty Tây Nam vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản thủy sản (theo Quyết định số 63/2010 của Thủ tướng Chính phủ) trong khi Công ty Tây Nam không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Các bị can còn còn thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay của Công ty Tây Nam, chấp nhận cho Nhân sử dụng tiền vay sai mục đích.

z5717730451970_fd3c7730d237d0d6c98598011ffa18d3.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm đầu năm 2022

Ngoài Công ty Tây Nam thì các bị can còn thống nhất cho Nhân sử dụng các pháp nhân là Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại cho Ngân hàng.

Đối với Công ty Đồng Bằng Xanh, Cáo trạng xác định từ năm 2011 đến 2013 thì nợ gốc và lãi (tính đến 16/6/2016) là gần 171 tỷ đồng khi giá trị tài sản bảo đảm (trong đó có nhà đất tại 12 Nguyễn Trãi, Cần Thơ) chỉ hơn 109 tỷ đồng

Chứng minh nội dung này, các Luật sư đã dẫn Kết luận thanh tra số 987/KL-TTCP ngày 22/6/2018 của Thanh tra Chính phủ (thanh tra việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác của UBND TP Cần Thơ) xác định, vào thời điểm tháng 9/2012, giá trị thực tế, giá khởi điểm của khu đất 12 Nguyễn Trãi là hơn 233 tỷ đồng (do có hệ số biến động giá đất so với năm 2010 là 2,26 lần).

Vì vậy, các Luật sư cho rằng, việc ngày 20/3/2013, các bị can lập biên bản xác định giá trị tài sản số 12 Nguyễn Trãi có giá trị hơn 231,7 tỷ đồng là có căn cứ, phù hợp với cách tính của Thanh tra Chính phủ. Ở vị trí tương tự tại 12 Nguyễn Trãi thì nhà đất tại 51 Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ (siêu thị Citimart- tài sản do Công ty Tây Nam thế chấp) cũng có giá trị thực tế hơn 300 tỷ đồng (đúng như giá trị các bị can xác định ở thời điểm thế chấp) chứ không chỉ là hơn 103 tỷ như xác định của HĐĐGTS. Như vậy thì các bị cáo không “nâng khống” tài sản thế chấp như cáo buộc. HĐĐGTS xác định giá trị chỉ bằng khoảng ½ giá trị do Thanh tra Chính phủ xác định, dù thời điểm chỉ cách nhau 6 tháng là có dấu hiệu gây oan sai cho bị cáo.

Để làm rõ mâu thuẫn về giá trị nhà đất nêu tại Kết luận giám định của HĐĐGTS và kết luận của Thanh tra Chính phủ như trên, năm 2019, VKSND TP Cần Thơ đã yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Cần Thơ điều tra bổ sung để định giá lại tài sản tại 12 Nguyễn Trãi, Cần Thơ vào thời điểm tháng 9/2012 (thời điểm Công ty Đồng Bằng Xanh mua trúng đấu giá của Nhà nước), thời điểm tháng 3/2019 (thời điểm thế chấp tài sản) và thời điểm tháng 12/2016 (thời điểm HĐĐGTS TP Cần Thơ định giá).

Vai trò “đồng phạm” ra sao?

Tuy nhiên, sau đó HĐĐGTS ở Trung ương đã không định giá lại nhà đất ở thời điểm tháng 9/2012, mà chỉ xác định giá nhà đất ở thời điểm tháng 3/2013 theo hướng “thống nhất chấp thuận giá trị quyền sử dụng đất tại 12 Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ tại thời điểm tháng 3/2013 do đơn vị tư vấn xác định là 104.407.984.000 đồng”.

Đối với giá nhà đất ở thời điểm tháng 12/2016, HĐĐGTS ở Trung ương cho rằng, “không có căn cứ nghi ngờ kết quả định giá của HĐĐGTS TP Cần Thơ, Vì vậy, HĐĐGTS ở Trung ương thống nhất không định giá lại khu đất số 12 Nguyễn Trãi thời điểm tháng 12/2016”. Trước đó, HĐĐGTS TP Cần Thơ xác định nhà đất tại 12 Nguyễn Trãi thời điểm tháng 12/2016 có giá hơn 107,6 tỷ đồng.

z5717730454858_e7d73e5b046190be50e279c39d0f64a1.jpg
Khu đất 12 Nguyễn Trãi, Cần Thơ được Hội đồng định giá xác định hơn 107 tỷ đồng trong khi Thanh tra Chính phủ lại xác định giá khởi điểm để đấu giá là 233 tỷ đồng

Trước việc “thống nhất” của hai Hội đồng giám định như trên, Luật sư cho rằng, do có nghi ngờ về kết quả định giá lần đầu của HĐĐGTS TP Cần Thơ nên VKS mới trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan ANĐT trưng cầu giám định lại. Nay, HĐĐGTS ở Trung ương lại cho rằng không có “không có căn cứ nghi ngờ kết quả giám định lần đầu” phải chăng là đã mâu thuẫn với chính quan điểm của cơ quan trưng cầu giám định và không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định? Và tới nay, dù kết quả định giá lần đầu đã bị “nghi ngờ” và yêu cầu phải trưng cầu “định giá lại” nhưng cuối cùng thì kết quả định giá “bị nghi ngờ” vẫn được dùng để làm căn cứ cáo buộc đối với các bị cáo.

Nêu về cách tính thiệt hại, Luật sư Hà Huy Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 1, 2, Điều 10 của Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, có thể thấy, thời điểm chậm nhất để xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm gây ra là ngày 24/12/2015- thời điểm khởi tố vụ án. Nhưng Cáo trạng tính lãi của Công ty Tây Nam đến thời điểm ngày 16/06/2016 để xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân hàng là không có căn cứ.

Luật sư Sơn cũng cho rằng, trong vụ việc này, bị cáo Nhân bị cáo buộc ở vai trò đồng phạm với bị cáo Liệu, Hải (là các lãnh đạo ngân hàng) về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, hiện chứng cứ chứng minh Nhân là người thực hành, xúi giục, giúp sức...đều không rõ ràng​. Giữa các bị cáo cũng không có thỏa thuận, hưởng lợi gì về vật chất để cùng thực hiện tội phạm (tức đồng phạm).

Có thể thấy rằng, trong quan hệ này, bị cáo Nhân ở vai trò là người đi vay, còn cán bộ ngân hàng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ cho vay vốn theo đúng quy định. Việc cán bộ ngân hàng có sai sót, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ, dẫn đến cho vay sai quy định thì những người này phải chịu trách nhiệm chứ Cơ quan điều tra không thể “bắt lỗi” bị cáo Nhân đã lập hồ sơ vay vốn sai được.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ vi phạm quy định về cho vay tại Cần Thơ: Yêu cầu định giá lại tài sản thế chấp được thực hiện ra sao?