Hồ sơ vụ án

Vụ đóng 5 “tàu ma”: Các bị can cấu kết chiếm đoạt tiền ngân sách như thế nào?

Phan Trà 25/09/2023 - 09:11

VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trần Văn Cường, cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ông Cường, cáo trạng còn truy tố 12 bị can khác về nhiều tội danh, trong đó có “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Mua bán trái phép hóa đơn”. Đây là vụ án gây thiệt hại ngân sách rất lớn, được dư luận địa phương đặc biệt quan tâm…

Cấu kết tinh vi để lừa đảo

Theo cáo trạng, năm 2018, Chính phủ ra Nghị định 17/2018/NĐ-CP quy định ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng mới cho các chủ tàu cá được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Từ đó UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành nhiều Quyết định phê duyệt các chủ tàu cá gồm Trần Văn Tài, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Hùng, Đặng Thế Hùng (cùng ngụ xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), thuộc diện đủ điều kiện đóng mới tàu cá vỏ composite để được hỗ trợ theo Nghị định 17.

Do không có tiền đầu tư đóng tàu, nhóm Tài, Hiếu, Sang, Văn Hùng, Thế Hùng liên hệ với Lê Minh Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Tân Trung Thịnh) và chủ các doanh nghiệp đóng tàu gồm Trần Vĩnh Khương, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Thanh Toàn cùng thỏa thuận, thống nhất để Xuân đứng ra đầu tư đóng tàu. Theo đó, Xuân cho chủ tàu tạm ứng tiền đóng vỏ tàu; cho nợ tiền lắp đặt động cơ máy thủy, máy phát điện và thi công các thiết bị hàng hải...

tau-ma(1).jpeg
Bị can Trần Văn Cường - cựu Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Các đối tượng liên hệ thuê Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) thẩm định hồ sơ thiết kế, tiến hành các hoạt động đăng kiểm và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, Sổ đăng kiểm cho chủ tàu.

Xuân cùng chủ tàu lập bộ hồ sơ nộp Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, thẩm định hồ sơ và tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các tờ trình đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt hỗ trợ theo Nghị định 17 cho chủ tàu. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ, các chủ tàu cá phải giao hết cho Xuân, đồng thời chủ tàu phải thế chấp tàu cá và giấy tờ nhà đất để vay ngân hàng trả hết toàn bộ số tiền Xuân đã đầu tư.

Với phương thức trên, quá trình đầu tư đóng tàu theo Nghị định 17, mặc dù cả 5 tàu đang đóng dở dang, nhiều hệ thống chưa thi công, nhiều trang thiết bị chưa lắp đặt nhưng Xuân, Tài, Hiếu, Sang, Văn Hùng, Thế Hùng dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị can khai tàu đã thi công hoàn thiện, ký các Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng mua bán khống giá trị vỏ tàu, trang thiết bị lắp đặt, mua bán trái phép Hóa đơn GTGT đưa vào hồ sơ đóng tàu. Tất cả các chiêu trò nhằm nâng giá thành đóng tàu, từ đó đề nghị Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Chi cục Thủy sản cấp giấy tờ pháp lý cho các tàu cá và đề nghị ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ theo Nghị định 17 với mức cao hơn để “ẵm” 34,6 tỉ đồng.

Cáo trạng nhận định, các bị can Xuân, Tài, Hiếu, Sang, Văn Hùng, Thế Hùng đã xâm phạm quyền sở hữu đối với ngân sách Nhà nước, đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giám đốc Sở thiếu trách nhiệm đến đâu?

Sở dĩ các bị can thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt là do sự thiếu trách nhiệm của nhóm bị can nguyên là cán bộ nhà nước. Cụ thể trong quá trình đăng kiểm 5 tàu cá, dù biết còn dang dở, chưa đủ thiết bị, máy móc để đánh bắt nhưng các bị can Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Nguyễn Vũ Hà, Trưởng phòng Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Nguyễn Quốc Công, viên chức Trung tâm đăng kiểm tàu cá vẫn cho đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

Các bị can Nguyễn Đức Hoàng (Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản) và Đinh Cao Thượng (Trưởng phòng quản lý nghề cá, Chi cục Thủy sản) dù biết 5 tàu cá không đủ điều kiện để được hỗ trợ, nhưng vẫn trình ký hồ sơ để chủ tàu nhận số tiền hỗ trợ hơn 34,6 tỉ đồng.

Bị can Trần Văn Cường, cựu Giám đốc Sở NN&PTNT là chủ thể chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý, chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra, giám sát thi công đóng mới tàu cá.

Ông Cường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt hỗ trợ theo Nghị định 17 cho các chủ tàu cá. Quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ, mặc dù ông Cường có chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra, giám sát thi công đối với 5 tàu cá, nhưng ông Cường lại không trực tiếp chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ theo quy định. Ông Cường bỏ mặc cho Chi cục Thủy sản tổ chức thẩm định hồ sơ, từ đó dẫn đến các bị can Hoàng, Thượng không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao.

Cáo trạng nhận định hành vi của ông Cường đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình điều tra, bị can thừa nhận sai phạm, tác động gia đình nộp 30 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Cáo trạng xác định đến thời điểm truy tố, các bị can đã khắc phục hậu quả với hình thức nộp tiền vào ngân sách Nhà nước hơn 35 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ đóng 5 “tàu ma”: Các bị can cấu kết chiếm đoạt tiền ngân sách như thế nào?