Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường thành lập 7 công ty trong nước và 3 công ty nước ngoài, lập hợp đồng khống mua bán hàng hóa để chuyển tiền qua biên giới.
VKSNDTC đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Cùng vụ án, bị can Đinh Thị Diệu Thúy, Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam bị cáo buộc “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ngoài ra, 11 bị can khác bị truy tố về các hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hoặc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Hiện, TAND TP Hà Nội đã thụ lý hồ sơ và chuẩn bị xét xử vụ án.
Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Ngọc Phương thành lập 7 doanh nghiệp trong nước của Phương gồm Công ty Vàng Phú Cường, Công ty quốc tế DPC, Công ty Lăng Nguyên, Công ty DPC Hà Nội, Công ty Giá Diệp, Công ty Aqua-com, Công ty Đông Đô.
Hệ thống doanh nghiệp của Phương ở nước ngoài là 3 công ty ở Hồng Kông gồm Công ty Louis, Công ty International và Công ty Global.
Trong thời gian từ năm 2014 - 2018, bị can Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa các công ty trong nước với 3 công ty nước ngoài, lập hợp đồng khống mua bán hàng hóa giữa các công ty trong nước.
Sau đó, sử dụng các hợp đồng khống này để hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Tổng cộng, các bị can đã chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài thông qua nhiều tổ chức tín dụng. Tổng số tiền tệ chuyển trái phép là hơn 214 triệu USD, tương đương hơn 4.719 tỉ đồng.
Ngoài hành vi chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, Phương còn chuyển trái phép tiền từ nước ngoài về Việt Nam bằng cách sử dụng 3 công ty ở Hồng Kông chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân của bản thân và vợ là Nguyễn Thị Hồng Nga cũng như một số tài khoản của cá nhân, doanh nghiệp.
Tiếp đó, Phương cho rút ngoại tệ, quy đổi sang VNĐ để trả nợ các khoản vay đến hạn của ngân hàng và sử dụng vào việc kinh doanh, việc cá nhân khác.
Số tiền chuyển từ ngoài về Việt Nam là hơn 212 triệu USD, tương đương hơn 4.773 tỉ đồng.
Theo VKS, bị can Phương có vai trò chủ mưu, cầm đầu, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với tổng số tiền hơn 426 triệu USD, tương đương hơn 9.492 tỉ đồng.
Quá trình chuyển tiền, bị can Đinh Thị Diệu Thúy đã làm giả nhiều tờ khai hải quan.
Cụ thể, Thúy được Nguyễn Ngọc Phương giao nhiệm vụ phụ trách bộ phận kế toán. Giữa năm 2015, khi các khoản vay đến hạn phải tất toán, Phương chỉ đạo Thúy làm hồ sơ tất toán các khoản nợ cũ và vay tiếp các khoản mới.
Để hoàn thiện các bộ hồ sơ nhập khẩu khống, Thúy đã làm giả 9 tờ khai hải quan có xác nhận của chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng KV3 và Cục Hải quan TP Hải Phòng.
Thúy soạn nội dung, thông tin, số liệu tờ khai hải quan theo nhu cầu rồi vào mạng tải mẫu dấu của đơn vị hải quan và chèn vào các bản mềm tờ khai điện tử. Sau đó, bị can cung cấp các tờ khai giả cho ngân hàng để hợp thức hồ sơ thanh toán với tổng số tiền hơn 2,6 triệu USD.
Nguyễn Thị Hồng Nga, vợ bị can Nguyễn Ngọc Phương, đứng tên đại diện pháp luật Công ty International và quản lý, sử dụng tài khoản của Công ty Louis, Công ty Global. Nga tham gia chuyển tiền trái phép từ Việt Nam vào tài khoản của 3 công ty nói trên và chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam với tổng số tiền hơn 426 triệu USD.
Tháng 6/2023, Nga xuất cảnh sang Hàn Quốc, chưa nhập cảnh về Việt Nam, không có mặt tại nơi cư trú.
Do đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra lệnh truy nã đối với Nga và tách vụ án hình sự chờ bắt được bị can sẽ tiếp tục điều tra, xử lý.