Liên tiếp trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện nhiều doanh nghiệp, đại lý, công ty tuyên bố vỡ nợ, sau khi được người dân ký gửi hàng nông sản trị giá lên đến hàng tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.
Sau tuyên bố vỡ nợ là đi chữa bệnh!
Vụ vỡ nợ gần đây nhất vào sáng 12/3, khi nghe tin bà Thái Thị An- Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Sang (thị trấn Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai) bỏ đi khỏi địa phương thì hàng trăm người nông dân rất hốt hoảng đến bao vây trụ sở Công ty Hoàng Sang để đòi nợ. Đứng trước sức ép đó, vị giám đốc này xin vắng mặt tại nơi cư trú để đi chữa bệnh.
Điều này đã được Công an huyện Ia Grai trao đổi với báo chí vào ngày 28/3. Nội dung đơn có chữ ký của bà Thái Thị An viết: Công ty tôi gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ vì vậy mà các hộ dân đã tìm đến đòi lại số nông sản đã ký gửi. Do công ty chưa có khả năng chi trả nên các hộ dân gây sức ép, trong đó có một số hộ dân có hành vi đe dọa sẽ xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của gia đình tôi. Do nhiều ngày chịu áp lực về tinh thần dẫn đến sức khỏe của tôi bị suy nhược, phải điều trị tại bệnh viện. Vì vậy tôi viết đơn này xin các cơ quan chính quyền địa phương cho phép tôi vắng mặt tại nơi cư trú một thời gian. Đến khi tinh thần, sức khỏe của tôi ổn định trở lại, tôi sẽ có kế hoạch trả số nợ trên cho người dân.
Bà Thái Thị An- Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Sang làm đơn đi chữa bệnh sau khi tuyên bố vỡ nợ.
Điều đáng nói, trong đơn gửi cơ quan chức năng, vị giám đốc này không đề cập đến bệnh viện mà bà đi chữa, cũng như không nói bị bệnh gì hay đang điều trị ở tỉnh, thành nào? Đây có phải là hành vi nhằm trốn tránh trách nhiệm, cũng như lách luật mà vị giám đốc này dựng nên? Câu hỏi này nhất định sẽ được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Bởi số nợ mà công ty này nợ, đã lên tới con số trên 40 tỉ đồng.
Đã đến lúc người dân nên “cẩn trọng”
Dường như, năm nào cũng vậy, cứ sau một mùa thu hoạch các mặt hàng nông sản như tiêu, cà phê… các gia đình đều tìm đến các cơ sở thu mua để ký gửi, chờ giá cả tăng lên. Nhưng cũng chính vì thế, mà hầu những năm gần đây, năm nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đều có doanh nghiệp, công ty kêu vỡ nợ sau khi ôm hàng tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ từ mặt hàng nông sản mà người dân đã ký gửi.
Hầu hết các công ty, doanh nghiệp này đều rất lớn. Với sân bãi rộng, nhà to xe đẹp, họ tạo cho mình một cái “vỏ bọc” bên ngoài giàu có, thành đạt rất hoàn hảo.
Nhìn vào cơ ngơi đó, người dân phần nào an tâm để gửi gắm. Nhưng chính cái “mác” này lại khiến cho hàng chục, hàng trăm gia đình khóc hết nước mắt khi nông sản ký gửi “không cánh mà bay” chỉ vì một tuyên bố “vỡ nợ” đơn giản từ chủ nhận ký gửi.
Vậy đâu là nguồn căn của vấn đề, vì sao họ vẫn bình thản khi mình vỡ nợ với số tiền hàng tỉ, hàng chục tỉ như vậy? Thật ra, có việc vỡ nợ hay không chỉ những chủ nhận ký gửi mới hiểu được. Còn người dân, chỉ biết khóc cạn nước mắt khi lấy niềm tin để đặt toàn bộ nông sản của mình vào một doanh nghiệp, công ty lớn rồi nhận lại "trái đắng".
Người dân ngậm ngùi vì nông sản ký gửi “không cánh mà bay”.
Hiện nay, trong những sự việc tương tự, khi mà người đại diện một công ty hay một doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ, nhưng họ lại không chạy trốn khỏi địa phương cũng như họ thừa nhận số nợ nông sản mà người dân ký gửi trong kho của mình thì rất khó để xử lý hình sự. Mà ở đây, sự vụ chủ yếu chỉ nằm ở góc độ giao dịch dân sự giữa hai bên. Nợ vẫn đó, dân vẫn khóc, nhưng công ty, doanh nghiệp không có gì để trả.
Lúc này, bài học về lòng tin đã bị đánh đổi quá lớn khi việc ký gửi chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Những tờ giấy viết tay nguệch ngoạc, hay những tờ phiếu ký gửi giữa bên gửi và bên nhận gửi viết cho nhau là xong. Điều đó vô tình tạo kẽ hở để cho hàng chục vụ vỡ nợ cà phê, vỡ nợ tiêu… liên tiếp xảy ra.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là sao nông sản của người dân ký gửi trong kho lại mất đi? Để rồi, khi tuyên bố vỡ nợ, doanh nghiệp để lại chỉ còn là một cái kho trống rỗng. Phải chăng đây chỉ là chiêu trò của các doanh nghiệp, công ty nhận ký gửi nhằm chiếm đoạt hàng tỉ, hàng trăm tỉ đồng của dân?