TAND tỉnh Hưng Yên đang tiến hành xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với Phạm Khắc Tú (tức Tú "khỉ", trú tại Đông Ninh, huyện Khoái Châu) và 17 đồng phạm về nhiều tội danh: Cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...
Trong phiên xử, nhiều bị hại đã vắng mặt, nhưng Hội đồng xét xử vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong các ngày xét xử, “nóng” nhất là phần luận tội cũng như phần tranh luận tại Tòa đối với tội cưỡng đoạt tài sản và tội cố ý gây thương tích mà bị cáo Tú bị quy kết.
Tại phiên tòa, Tú cho rằng được anh trai là Phạm Khắc Tuấn chuyển nhượng (có chứng nhận của Ủy ban xã Đại Tập) khai thác bến phà Ninh Tập (xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên) từ giữa tháng 6/2012. Cuối năm 2012, Công ty Sông Hồng đã đến chiếm dụng làm bến và tự ý cho tàu lớn hút cát, đưa máy ép cọc, máy xúc ủi… gây ảnh hưởng đến bến phà cũng như mặt đường Tú đã bỏ tiền của vào làm. Tú đã làm đơn đề nghị UBND xã Đại Tập giải quyết, đồng thời tự tìm cách giải quyết. Sau đó Công ty Sông Hồng nhờ người đứng ra hòa giải.
“Trùm” giang hồ Tú “khỉ” đang đối mặt với mức án 30 năm tù
Sau khi trao đổi với nhau nhiều lần, Công ty Sông Hồng đồng ý chi cho Tú số tiền 500 triệu đồng. Sáng ngày 27/3/2013, khi đến Công ty Sông Hồng thương thảo số tiền, Tú đã bị lực lượng Công an bắt giữ với số tiền tại hiện trường là 200 triệu đồng.
Tại tòa, Tú “khỉ” cho rằng mình không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tú khai rằng, khi được chuyển nhượng và có giấy ủy quyền từ anh trai, Tú có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với khu vực bến đò, và số tiền 200 triệu đồng là việc Công ty Sông Hồng bồi thường đoạn đường đã bị hư hỏng của Tú, không có chứng cứ khẳng định Tú có hành động đe dọa Công ty Sông Hồng để đòi tiền và đây là giao dịch dân sự, không có yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, trong phần luận tội, Viện kiểm sát vẫn khẳng định hành vi khách quan của Phạm Khắc Tú và đồng bọn đã thực hiện phản ánh ý thức chủ quan của Tú và đồng bọn do Phạm Khắc Tú chỉ đạo để uy hiếp tinh thần lãnh đạo của Công ty Sông Hồng buộc phải chi cho Tú 200 triệu đồng, do đó đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Viện kiểm sát sau đó đã đề nghị mức án dành cho bị cáo Tú với nhiều tội danh, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Tại phần tranh luận của luận sư và Viện kiểm sát, phía luật sư bào chữa cho Tú khẳng định, Tú hoàn toàn có quyền định đoạt bến đò khi đã có giấy chuyển nhượng của anh trai, nên Tú có đủ tư cách đi thương lượng với Công ty Sông Hồng. Vì thế, việc truy tố Tú tội “Cưỡng đoạt tài sản” là thiếu căn cứ.
Dự kiến, phiên tòa sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử trong những ngày tới. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có thông tin mới.