Vĩnh Phúc: Những bước tiến trên chặng đường 25 năm phát triển

Vĩnh Phúc| 25/12/2021 17:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đã chung tay đưa Vĩnh Phúc có những bước phát triển vượt bậc.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển (1997-2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước định hình tỉnh trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ. Những kết quả đạt được đang tạo nền tảng thuận lợi để tỉnh tiếp tục phát triển, là địa phương có quy mô kinh tế lớn trong vùng, cả nước, với mục tiêu cao nhất là phát triển vì hạnh phúc con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, phát huy nội lực, tận dụng tiềm năng lợi thế, xác định nhiều giải pháp căn cơ, chắc chắn, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đã chung tay đưa địa phương có những bước phát triển vượt bậc; tự hào trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc” - như Bác Hồ từng mong muốn khi về thăm tỉnh năm 1963.

vinh.jpg
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong một lần kiểm tra công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp 

Hiện, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong cả nước; bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42% (có năm tăng trên 20%), cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động trầm trọng, thậm chí được coi là năm khó khăn nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Tuy nhiên bằng sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 8,02% - đứng thứ 9 toàn quốc và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phổ cập giáo dục và chất lượng học sinh giỏi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa luôn được chú trọng; thu nhập, đời sống của nhân dân ngày một nâng lên.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến hết năm 2021 chỉ còn 0,44%; ước đến hết năm 2021 tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 39 giường tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ước năm 2021 đạt 14 bác sĩ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động và chi ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng. Tỷ lệ người dân tham gia BHXH đạt hơn 93,5% ....

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, những thành tựu, dấu ấn của Vĩnh Phúc đạt được là nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, năng động, sáng tạo và hiệu quả của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ; sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực của toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương trong toàn quốc và người Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc trong nước và nước ngoài.

Trong chặng đường xây dựng, phát triển, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; chú trọng cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và căn cứ vào tình hình thực tiễn, xây dựng nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo triển khai phù hợp, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.

Phát huy thành quả đã đạt được, trong giai đoạn phát triển mới, những định hướng, mục tiêu căn bản đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; phát triển Vĩnh Phúc thành tỉnh mạnh về công nghiệp, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5 đến 9,0%/năm…

Để vững vàng phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc xác định các khâu đột phá là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới; tập trung thực hiện nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời, thực hiện hiệu quả mô hình chuyển đổi số và đô thị thông minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, trong bối cảnh cùng với cả nước thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với quan điểm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Các giải pháp phòng chống dịch dựa trên các cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn và điều kiện địa phương, bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh nhưng không gây ách tắc cho sản xuất và lưu thông.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Dù chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, kết quả tăng trưởng chung của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng, các chỉ tiêu đặt ra, cơ bản đạt và vượt kế hoạch: Tổng thu ngân sách đạt hơn 32.000 tỷ đồng, vượt 4,5% dự toán; Tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 86.000 tỷ đồng (tăng 7,3% so với năm 2020); trong đó, giá trị sản xuất một số lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh (linh kiện điện tử; quần áo; gạch ốp lát...); quy mô GRDP dự kiến đạt 135,1 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm 2020), đưa giá trị GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 113,4 triệu đồng/người/năm (tăng 7,9 triệu đồng so với năm 2020).

Đặc biệt, tỉnh nằm trong top các địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2021, thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, kịp thời chia sẻ đồng hành với doanh nghiêp bằng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đặc thù, tỉnh thu hút được 50 dự án mới, trong đó có 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 932 triệu USD, (tăng 37,6% so với năm 2020); 20 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 13 nghìn tỷ đồng (tăng 44,7% so với năm 2020). Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 433 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD; 822 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 106,4 nghìn tỷ đồng…

vinh2.jpg
Đô thị Vĩnh Phúc chỉnh trang chuẩn bị cho ngày hội 25 năm tái lập

Xác định phát triển khung hạ tầng đô thị, giao thông, tăng kết nối liên vùng là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ của địa phương mà cả trong khu vực, Vĩnh Phúc cũng đang gấp rút thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, những kết quả đạt được đang tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra - Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của cả nước; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để đến năm 2045 nước ta là nước phát triển, thu nhập cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Những bước tiến trên chặng đường 25 năm phát triển