Không bật xi nhan trước khi chuyển hướng tưởng chừng chỉ là bỏ qua một thao tác nhỏ nhưng lại đang trở thành một thói quen nguy hiểm của không ít người điều khiển xe máy. Thực trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn thương tâm.
Thói quen bị xem nhẹ
Xi nhan là tín hiệu đơn giản nhất để người điều khiển phương tiện thông báo ý định chuyển hướng với các phương tiện khác. Bật xi nhan không phải là “làm cho có” mà là thông điệp rõ ràng: “Tôi đang rẽ - hãy chú ý để tránh nguy hiểm”. Tuy nhiên, trong một môi trường giao thông đông đúc như Việt Nam, nơi xe máy chiếm tỷ lệ áp đảo, không khó để bắt gặp cảnh nhiều phương tiện rẽ đột ngột mà không hề bật đèn xi nhan. Thói quen xem nhẹ thao tác nhỏ này tiềm ẩn nguy hiểm không ngờ - từ va chạm nhẹ đến tai nạn nặng, thậm chí tử vong.
Không bật xi nhan trước khi chuyển hướng không chỉ là hành vi vi phạm giao thông, mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính người điều khiển xe và người xung quanh, khiến giao thông trở nên hỗn loạn, tai nạn có thể xảy ra trong tích tắc. Nguy hiểm hơn, khi điều đó trở thành “bình thường”, nó phá vỡ mọi nguyên tắc của một hệ thống giao thông trật tự.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng bắt nguồn từ hành vi tưởng chừng vô hại này. Một cú rẽ không báo trước có thể khiến xe sau xử lý không kịp, gây va chạm, thậm chí dẫn đến thương vong. Hơn cả hậu quả vật chất, đó còn là sự đánh mất lòng tin vào cộng đồng giao thông văn minh.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2024, toàn quốc xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Trong đó, lỗi chuyển hướng không bảo đảm an toàn cũng là một phần nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, chủ yếu là sự chủ quan khi tham gia giao thông, xem nhẹ vai trò của xi nhan. Nhiều người điều khiển phương tiện cho rằng chỉ cần quan sát đường là đủ nên nên chỉ bật xi nhan khi rẽ tại phố lớn hoặc khi có camera giám sát.
Một bộ phận người dân do thiếu hiểu biết pháp luật mà không biết không xi nhan là vi phạm Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận rằng việc giáo dục về văn hóa giao thông - đặc biệt là các hành vi nhỏ nhưng quan trọng - chưa thực sự được chú trọng trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Chia sẻ với báo chí, Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, việc tùy tiện khi tham gia giao thông, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là quy tắc giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có… Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông vì nó làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước.
Xây dựng văn hóa giao thông
Điều 15 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, trước khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Sau khi đã rẽ mới bật đèn thì sẽ bị xử phạt.
Về xử lý vi phạm, theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (hiệu lực từ 1/1/2025), lỗi không bật đèn xi nhan báo khi rẽ đối với xe máy áp dụng mức xử phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng. Với lỗi này, nếu gây tai nạn sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng, trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.
Để hạn chế tình trạng rẽ không bật xi nhan các phương tiện nói chung, phương tiện phổ biến trên đường như xe máy nói riêng, cần có giải pháp tổng thể từ nhiều phía: Người dân - nhà trường - chính quyền. Theo đó, người khi điều khiển phương tiện cần nâng cao ý thức, tập trung khi lái xe; nhắc nhở nhau cùng thực hiện hành vi văn minh.
Với cộng đồng và chính quyền, ngoài việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đi vào thực chất, đạt hiệu quả lâu dài; cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh lắp camera giám sát tại các ngã tư, tuyến phố đông; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát thực chất cũng như kịp thời khắc phục các bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông.
Về phía nhà trường, đưa kiến thức luật và kỹ năng giao thông vào chương trình học. Giáo dục học sinh từ nhỏ về văn hóa giao thông, xem hành vi này như một “chuẩn mực tối thiểu”.
Văn hóa giao thông không phải là điều xa vời, mà bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất. Nếu mỗi người đều chủ động thực hiện hành vi này một cách tự giác, thì không chỉ giảm thiểu nguy cơ tai nạn mà còn góp phần xây dựng một xã hội trật tự hơn. Đã đến lúc, hành động bật xi nhan - dù chỉ là một thao tác đơn giản - cần được nhìn nhận đúng như một biểu hiện của trách nhiệm công dân, của đạo đức trong tham gia giao thông và là thước đo của một xã hội kỷ cương.