Cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc bước vào thực nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; tình hình xung đột ở Ukraine-Nga diễn biến căng thẳng làm giá xăng dầu, vàng và giá một số nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và sản xuất, kinh doanh.
Đột phá trong công tác cải cách hành chính
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý điều hành, thể hiện quyết tâm đột phá trong CCHC.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính, nhất là đề ra các mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung vào 6 nội dung là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đặc biệt, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp”.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, thực hiện rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết của 825 TTHC có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc, đặc biệt là các TTHC liên quan đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh (Cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thời gian theo quy định của Trung ương là 15 ngày, Vĩnh Phúc còn 11 ngày; Thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Trung ương quy định là 40 ngày, Vĩnh Phúc còn 36 ngày...). Đồng thời, tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; Chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm hạn; Thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; Kiện toàn hệ thống một cửa các cấp và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn toàn tỉnh..
Tính từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra 102 lượt về việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành; 56 lượt tại các huyện, thành phố và 96 lượt tại các xã, phường, thị trấn; kịp thời tiếp nhận, giải quyết 525 phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính. Đồng thời, công bố, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung, Cổng Thông tin –Giao tiếp điện tử tỉnh 6.576 lượt nội dung thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được duy trì tốt tại các sở, ban, ngành, địa phương, với trên 10 triệu hồ sơ, trong đó, có trên 90% hồ sơ được giải quyết đúng, trước hạn.
Thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng
Trải qua 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn xác định việc thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Để tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đã linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ các dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/5/2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án DDI (07 dự án cấp mới, 05 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 45,87% so với cùng kỳ; 29 dự án FDI (09 dự án cấp mới, 20 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 214,15 triệu USD, tăng chủ yếu ở các dự án điều chỉnh vốn với tổng số đăng ký điều chỉnh đạt 88,65 triệu USD, tăng 99,02% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu tư FDI với 27/29 dự án với số vốn đạt 211,70 triệu USD, chiếm 98,86% tổng vốn FDI thu hút được trong kỳ.
Tính đến ngày 15/5/2022, toàn tỉnh có 534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 5.605 tỷ đồng, tăng 8,32% về số doanh nghiệp. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực như ngành Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ (170 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 1.065 tỷ đồng); ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo (97 doanh nghiệp với vốn đăng ký 667 tỷ đồng); ngành Xây dựng (92 doanh nghiệp với vốn đăng ký 978 tỷ đồng)...
Trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường tiếp tục xu hướng tích cực với 237 doanh nghiệp, tăng 11,79% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm lên 771 doanh nghiệp.
Để công tác thu hút đầu tư được hiệu quả, khai khác hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Quyết tâm giữ vững tốp 10 Chỉ số PCI và tốp 15 chỉ số PAR INDEX. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Phấn đấu đến năm 2025 sẽ là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng, cả nước và là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.