Danh thắng Tây Thiên - Vĩnh Phúc: Miền đất uy linh, huyền bí

Vĩnh Phúc| 16/03/2022 21:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tây Thiên -Vĩnh Phúc được biết đến là vùng đất văn hóa thờ Mẫu đặc sắc, là nơi có cụm di tích thờ Mẫu ở Tam Đảo. Nơi đây có hàng chục di tích thờ Quốc Mẫu đầy kỳ bí và huyền diệu…

Tây Thiên là nơi tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu - Chính vương phi của Hùng Chiêu Vương, đời Vua Hùng thứ 7. Hàng năm, du khách khắp nơi tụ hội về với đạo Mẫu linh thiêng.

Tây Thiên là danh thắng thờ đạo Mẫu, đây cũng là nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Cứ độ Tết đến, Xuân về, du khách thập phương lại tụ hội về đây như để “Đến với Phật - Về với Mẫu”. Cụ thể, vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm, Lễ hội Xuân Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được bắt đầu, chính hội diễn ra trong hai ngày là 15 đến 17 tháng 2 âm lịch, nhưng từ đầu tháng Giêng (từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán), du khách thập phương từ khắp nơi đã hành hương về đây chiêm bái, du xuân.

1..jpg
Ngôi đền Thượng trên đỉnh Tây Thiên thờ Quốc Mẫu uy linh và huyền bí

Quần thể danh thắng được hội tụ cả 3 yếu tố: Tâm linh - tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên. Lý giải về câu thành ngữ “Đến với Phật - Về với Mẫu” khi du khách đến Tây Thiên, các cụ cao niên ở Vĩnh Phúc truyền rằng, đến với Phật là đến với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc; còn về với Mẫu là được về trong lòng mẹ, được mẹ chở che, ban cho yêu thương, sức khoẻ, tài lộc.

Ngoài đền thờ Quốc Mẫu, khu di tích Tây Thiên còn có nhiều đền thờ, miếu mạo thờ các vị Mẫu thần linh thiêng khác, như: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Ðịa và Mẫu Thượng Ngàn. Ngoài ra, nằm dưới chân núi Thạch Bàn, còn có tòa Đại Bảo Tháp Mandala uy nghi, đây là biểu tượng của vũ trụ, hội tụ những tinh túy của trời đất và ban nguồn ân phúc đến với khách thập phương xa gần.

Đến với Tây Thiên, điểm dừng chân đầu tiên của khách hành hương là ở Đền Thõng. Nơi đây có cây đa 9 cội (rễ cây tỏa ra 9 nhánh) có từ hàng trăm năm trước khiến du khách có cảm giác diệu kỳ khi nó như sự hiện diện của 9 huyện thị của tỉnh Vĩnh Phúc, 9 đơn vị hành chính của huyện Tam Đảo. Thật trùng hợp khi lên đến đỉnh Tây Thiên bằng đường bộ, du khách cũng phải đi qua 9 con suối…

2..jpg

Cây Đa 9 cội ngả bóng xuống Hữu Huyền Cung

Đền Thõng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng trên đỉnh núi. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng. Tại Đền còn lưu giữ một bia đá 4 mặt từ năm Bảo Thái thứ 5 (1723) ghi nhận nơi đây là “Tam Đảo linh sơn”, một quả chuông đúc vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), một bản thần tích vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937), một khánh đồng và một số hoành phi, câu đối. Đây là các chứng tích lịch sử – văn hoá rất giá trị, khẳng định sự quan tâm của nhiều triều đại đối với danh thắng Tây Thiên cũng như vị thế “địa linh bậc nhất” cả nước của quần thể di tích này.

Qua đền Thõng là tới đền Cậu. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền vừa được tu sửa lại vào năm 1993. Quãng đường từ đền Thỏng tới đền Cậu chỉ khoảng hơn 1km với hai hàng cây xanh mát, những mái nhà dân lúp xúp xen lẫn trong sắc vàng của những vườn cải đang trổ hoa dọc con suối nhỏ. Mọi người lên đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ và những nguyện ước tốt đẹp về mặt tình duyên và con cái. Đó chắc chắn sẽ là khởi đầu tốt nhất cho mỗi người khi đến với Tây Thiên.

Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến đền Cô. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Rất nhiều khách hành hương từng đến đền Cô đã thừa nhận rằng “suối và giếng này rất thiêng”. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.

Từ đền Cô, men theo một lối rẽ quanh co trong rừng, qua các khe suối nhỏ, các gốc cây bám rễ sâu vào lòng đất sẽ tới Tịnh thất Tây Thiên. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch. Tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của 3 sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển rộng rãi theo pháp môn Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa nhưng chỉ nhận sư nữ. Dòng truyền thừa này đã có lịch sử trên 800 năm, qua 12 đời Pháp vương với vô số hành giả, trải rộng từ Á sang Âu. Đã có 12 vị ni sư Tây Thiên được cử đi cầu pháp, thọ học các nghi quỹ và pháp tu Mật tông ở một ni viện tại Nepal. Mọi sinh hoạt và tu tập của chư ni đều do 3 vị chức sự quản lý và điều hành dưới sự lãnh đạo của một sư bà, trong đó, một vị chịu trách nhiệm về nghi lễ và đời sống ni chúng, một vị chịu trách nhiệm về giáo dục và một vị chịu trách nhiệm về ngoại giao.

Vẫn từ đền Cô, tiếp tục theo những bậc thang đi khoảng 1,5 km nữa là tới khu di tích đền Thượng nằm giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ với mây mù, thông reo, chim hót. Đền Thượng có từ đời Vua Hùng Vương thứ 7 và được xây dựng, tu bổ lại vào năm 2009. Trong đền còn lưu giữ nhiều hoành phi và câu đối có giá trị.

Trong phạm vi chiều dài 11km, chiều ngang 1km của khu di tích tập trung 8 ngôi đền, chùa cổ, nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo con suối Tây Thiên ào ạt qua những thác ghềnh từ trên núi cao đổ xuống đồng bằng.

3..jpg
Thác Bạc- dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên

Bước vào khu di tích du khách bắt gặp cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Ngược lên phía trên là Thác Bạc - dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên, với độ cao hơn 40m nước đổ xuống trắng xoá như giát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan. Ngược lên Đầm Sen, Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây ngược lên khoảng 3 cây số nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về 2 pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.

Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu.

Tây Thiên là một quần thể kiến trúc cổ xưa với chùa, đền, miếu, bia đá... mang đậm dấu ấn của lịch sử và văn hóa, cùng với đại danh lam thắng cảnh Tây Thiên với núi cao rừng thẳm, suối thác hữu tình còn là trung tâm Phật giáo rộng lớn và ra đời sớm nhất ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh thắng Tây Thiên - Vĩnh Phúc: Miền đất uy linh, huyền bí