Thầy rời cõi tạm để lại một khoảng trống mênh mông cho hàng vạn học sinh các thế hệ, cho các thầy cô giáo và những người còn đau đáu, trăn trở với nền giáo dục nước nhà.
Hơn 2 năm trời chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, PGS Văn Như Cương trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 80. Hung tin ông ra đi làm nhiều người bàng hoàng.
Dẫu biết rằng quy luật của cuộc đời, sinh lão bệnh tử rồi ai cũng phải trở về cát bụi, thế nhưng khi nghe tin thầy Cương ra đi nhiều người vẫn không tránh khỏi cảm giác xúc động, dưng dưng.
PGS Văn Như Cương (Ảnh: Hoàng Hà)
PGS Văn Như Cương, sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Người đời gọi ông bằng cái danh trìu mến "ông đồ xứ Nghệ".
Thầy Văn Như Cương là người sáng lập Trường THPT Lương Thế Vinh. Đây là một trong những trường dân lập thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam và cũng là một trong số ít trường ngoài công lập gây dựng được danh tiếng nhờ chú trọng đến chất lượng.
Tôi không có may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với thầy Cương. Bởi thế nên rất tiếc không có kỷ niệm nào với thầy để chia sẻ cùng bạn đọc. Nhưng những giai thoại về thầy thì nhiều lắm. Giai thoại nào cũng thú vị, cũng là một bài học sâu sắc, hàm ẩn kiến thức uyên thâm.
Rời cõi tạm, tài sản lớn nhất thầy Văn Như Cương để lại chính là triết lý giáo dục học để làm người tử tế và những giá trị cốt lõi tốt đẹp nhất của một nhà giáo.
Thầy ra đi giữa lúc những luận cãi về phương pháp giáo dục tại ngôi trường mà thầy đã tốn bao công sức, trí lực để gây dựng chưa có hồi kết. Thầy Cương nói khi khỏe lại sẽ tổ chức hội thảo để trao đổi với báo chí về những điều chưa thông tỏ, nhưng dự định đó đã vĩnh viễn không thể xảy ra.
Trước giờ phút tiễn thầy về miền an lạc, tôi kỳ thực không muốn khơi ra những tranh cãi. Kỷ luật nghiêm khắc hay hà khắc mỗi người có một quan điểm, đánh giá khác nhau. Nhưng hãy xem cuối cùng kết quả của những quy định đó đem lại là gì?
100% học sinh trường Lương Thế Vinh đỗ đại học trong kỳ thi năm 2017. Điểm trung bình của toàn trường là 25 - 26 điểm. Và không chỉ chú trọng về giáo dục điểm số, ngôi trường ấy còn giáo dục học sinh phát triển kỹ năng toàn diện. Ngoài phương pháp giảng dạy thì một phần không thể thiếu tạo nên danh tiếng của trường chính là kỷ luật.
Những ngày cuối của cuộc đời trong cơn đau dày vò, thầy Cương vẫn khẳng định: “Hà khắc là khắt khe, nghiệt ngã, còn lối giáo dục của nhà trường là nghiêm khắc, trong đó có sự bao dung đi kèm”.
"Trước hết phải là người tử tế", đó là triết lý, quan điểm giáo dục của thầy Văn Như Cương và nó là kim chỉ nam cho ngôi trường nơi thầy đã dồn đắp bằng tất cả tâm huyết.
Tôi luôn nghĩ rằng, trên đời chẳng có điều gì là chuẩn mực nhưng nhất định phải có khuôn phép. Lối giáo dục theo quan điểm của thầy Văn Như Cương là phương pháp hữu hiệu để tạo ra cái khuôn phép đó. Và thầy đã nói rất chính xác: "Đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu của giáo dục".
Từ nay, sẽ không còn ai được nhìn thấy "ông tiên tóc bạc" nhiệt tâm hay một ông đồ đầy nhân hậu ngoài đời thực nữa. Cũng không còn được nghe những phản biện sắc sảo, thẳng thắn, những câu chuyện dí dỏm nhưng triết lý của thầy Cương. Thầy đã sống một đời tròn vẹn với bổn phận của một lương sư.
Tượng đài của bao nhiêu thế hệ học sinh đã nằm xuống vĩnh viễn.
Xin cúi đầu kính tiễn Thầy!