Việt Nam nghiên cứu đưa Covid-19 ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm

Chí Tâm| 17/03/2022 20:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam sẽ nghiên cứu, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Đó là nội dung được đưa ra trong nghị quyết về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký, ban hành ngày 17/3.

vaccine-hoc-sinh.png
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM)

Chương trình được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Mục tiêu của chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19: đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Cùng với đó, tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19; tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Tất cả đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Lực lượng y tế ngoài công lập sẽ được huy động tham gia chống dịch khi cần thiết. Cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở sẽ được phụ cấp 100% khi chống dịch; lực lượng vũ trang sẽ có chế độ ưu đãi đặc thù.

Theo nghị quyết, thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Đáng chú ý, nghị quyết nêu nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nhóm nguy hiểm); các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Đây được coi là thay đổi lớn trong phòng chống dịch, là cơ sở để các cơ quan chuyên môn ban hành hướng dẫn theo hướng linh hoạt, thích ứng với xu hướng bình thường mới, mở cửa du lịch.

Trước đó, vào tháng 2/2020, khi Covid-19 xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) tại Việt Nam, đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu", lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Từ đó đến nay, Covid-19 vẫn được xem là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tại nhiều thời điểm, để phòng chống Covid-19, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như: Tạm dừng nhập cảnh, phong tỏa diện rộng, bắt buộc cách ly người nhiễm, người nghi nhiễm; dừng nhiều dịch vụ công cộng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nghiên cứu đưa Covid-19 ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm