Sáng 6/6, thông tin thu tiền BHXH chủ hộ kinh doanh sai quy định bất ngờ làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi đại biểu đề nghị xác định trách nhiệm thu sai.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau đó đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ thêm vấn đề mà đại biểu nêu.
Bản chất, đạo lý không sai
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chủ hộ kinh doanh cá thể nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội, nay không được hưởng lương hưu. Trước đây, thực hiện Nghị định 01 về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn cho một số tỉnh về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, 54 tỉnh, thành phố đã thực hiện thu bảo hiểm bắt buộc với 4.200 đối tượng từ năm 2003, đến năm 2016 thì dừng lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1.330 đối tượng vẫn nộp bảo hiểm tiếp đến năm 2020.
Theo Bộ trưởng Tài chính, việc thu tiền đóng bảo hiểm xã hội này, về bản chất, đạo lý không có vấn đề gì, nhưng chiếu theo quy định pháp luật lại vướng. Cụ thể, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng lao động, chỉ có hợp đồng giữa chủ hộ với nhân viên. Cho nên, nhân viên được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về bản chất, chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, có thu nhập, song việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lại là sai đối tượng. Vậy nên Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH làm sao sửa Luật Bảo hiểm xã hội để tới đây cho phép chủ hộ kinh doanh được thamg gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ giải quyết được vướng mắc nêu trên.
Tiếp phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu thêm. Ông khẳng định việc thu của Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai. Đây là sai về chủ trương, còn sai của ai thì đã báo cáo rõ, đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đặc biệt là Bảo hiểm xã hội của các địa phương.
Việc xảy ra được phát hiện và có biện pháp xử lý luôn. Bộ đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, thanh tra tại một số địa phương. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương khảo sát các địa phương sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật BHXH sửa đổi, trong đó có nội dung cơ quan BHXH thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh.
Do đó, thời gian vừa qua chỉ những trường hợp mà hiện nay còn đang phải thu và chưa giải quyết được là đang có vướng mắc. Còn phần đa là các địa phương cũng đã xử lý linh hoạt với chủ hộ kinh doanh. Nhiều trường hợp đã đồng ý là tiếp tục chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện. Nhiều trường hợp thì cũng đề nghị thoái thu. Có những trường hợp thì xin tiếp tục cho thực hiện, nếu được chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.
Đây là con số báo cáo đến năm 2016 và con số kiểm toán còn lại rơi rớt như vừa rồi 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương, có địa phương báo cáo lên là 62 trường hợp, nhưng kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp, như vậy đã giải quyết về căn bản, Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, khi trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã khẳng định, quan điểm của Bộ, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật BHXH, do đó cần phải đánh giá cụ thể, tuy nhiên quan điểm cá nhân Bộ trưởng cho rằng, phải đặt lợi ích của người lao động, người kinh doanh lên hàng đầu; cơ quan công quyền làm sai thì khắc phục và xin lỗi dân.
Có trên 3.000 đoàn thanh tra BHXH
Về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, vấn đề đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua. Thanh tra bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm.
Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, sẽ dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, còn có trên 3.000 đoàn thanh tra Bảo hiểm xã hội kiểm soát trên lĩnh vực thu, Bộ trưởng cho biết.
Việc thanh tra, xử phạt hành chính góp phần kéo giảm tỷ lệ chậm đóng năm 2022, chiếm 3,3% phần để thu. Đây là tiến bộ rất lớn. Giải pháp căn cơ, theo Bộ trưởng, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp: Tuyên truyền ý thích chấp hành của người lao động, chủ sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật, nghị định xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung nhanh ứng dụng công nghệ thông tin BHXH, BHYT, cơ sở dữ liệu dân cư; minh bạch thông tin cho người lao động biết khi người sử dụng chậm đóng 1 tháng, 3 tháng...
Trả lời về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, dự thảo luật vừa được công khai lấy ý kiến. Hiện, cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận trên 380 ý kiến của tập thể, nhiều ý kiến cá nhân.
Riêng về bảo hiểm xã hội, phải thực hiện nguyên tắc căn bản có đóng có hưởng, bình đẳng, chia sẻ. Với ý kiến phản ánh, các quy định thiết kế không tiệm cận tuổi hưu, tuổi nghề… Bộ trưởng lưu ý, tuổi nghề khác hoàn toàn với tuổi nghỉ hưu. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, không chỉ trong chính sách bảo hiểm.
Vị tư lệnh ngành cũng xác nhận vừa qua có hiệu ứng, khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được đưa ra, người lao động tưởng không được quyền lợi như hiện nay tranh thủ thời cơ đi rút bảo hiểm. Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần sửa luật Bảo hiểm xã hội tập trung theo hướng không hạn chế, mà tăng quyền lợi cho người lao động.