Chính trị

Việc tập trung được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch là nỗ lực, cố gắng vượt bậc

Mai Thoa 11/04/2023 15:13

Sáng 11/4, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc tập trung được nguồn lực cho công tác chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc.

Huy động được trên 236 nghìn tỷ chống dịch

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch.

110420231112-z4255133005111_9659b785f095c47ff686ea1f898ee613.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Nguồn lực được thực hiện giai đoạn 2020-2022 có quy mô khoảng 613 nghìn tỷ đồng; trong đó, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng 435,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng. Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng. Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra một tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong dự thảo Nghị quyết đánh giá 6 khuyết điểm, tồn tại về huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa bao quát để điều chỉnh tình huống phát sinh; khó khăn trong phân bổ, quản lý và thanh quyết toán ngân sách nhà nước; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xác định tài sản của các nguồn tài trợ; chưa chủ động được nguồn vaccine….

Ông cũng băn khoăn về nhận định “hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ như COVID-19, từ đó tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch”; nhấn mạnh việc tránh rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát phải phản ánh được những vấn đề bức xúc, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều kiện tiên quyết để kiểm soát được đại dịch COVID-19 là có vaccine. Khi thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine, tại các chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ luôn tranh thủ mọi cơ hội. Nhờ đó, chiến dịch ngoại giao vaccine đã rất thành công.

Trong báo cáo của Đoàn giám sát, có hơn 150 triệu liều vaccine, đáp ứng 60% tổng số nguồn. Sau khi có vaccine mới, triển khai tiêm phòng rất thành công, bước đầu đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và giúp cho việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả trong năm 2022.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cần đánh giá đúng mức hai vụ việc trên, làm rõ kẽ hở dẫn đến các sai phạm. Ngoài ra, báo cáo tập trung vào vấn đề trọng tâm, trọng điểm theo đề cương của Đoàn Giám sát, trong đó địa chỉ phải rõ để Quốc hội xem xét khi ấn nút.

Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh rất khó khăn

Liên quan đến nội dung về tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi tới Đoàn giám sát với nhiều phụ lục về tổng mức huy động ngân sách Nhà nước, huy động từ các nguồn khác gồm viện trợ, quỹ vaccine, quỹ của trung ương cũng như của các địa phương. Trong đó, cũng đã làm rõ lượng chi cho chống dịch, vaccine, chi cho từng địa phương. Tuy nhiên, hạch toán huy động nguồn lực tổng thể thì còn chưa đầy đủ, đặc biệt là những hỗ trợ từ các cộng đồng xã hội, người dân… Các giấy tờ, thủ tục để xác lập sở hữu toàn dân còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác hạch toán. Về Quỹ Vaccine, báo cáo của Bộ Tài chính đã làm rõ số liệu về con số tổng thể, số đã sử dụng, số còn lại.

Đối với những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm vật tư y tế ở các bệnh viện, cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã sửa thông tư về mua sắm chi thường xuyên để tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề này. Bên cạnh đó, đối với một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc ban hành các Thông tư thay thế.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch COVID-19, để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, đồng thời bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.

110420231131-z4255097244691_28d325c63e2cd9d45bcb94bbdc65e667.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên họp sáng nay 11/4.

Cụ thể, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt trong lúc nguồn lực còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vaccine quốc tế ban đầu còn khó khăn. Việc tập trung được nguồn lực cho công tác chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, điều này cần được làm rõ khi đánh giá, tổng kết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị.

Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động ban hành những quyết sách quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết 30 đã tạo điều kiện cho việc huy động nhân lực, nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, do đây là tình huống khó khăn chưa từng có tiền lệ, nên không tránh khỏi trong tổ chức thực hiện có những thiếu sót, hạn chế. Bộ trưởng Y tế cho rằng, cần có đánh giá tổng thể lại những vấn đề còn vướng mắc trong quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể, khả thi để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, khắc phục được những tồn tại đã hiển hiện trong thời gian qua.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, UBTVQH giao cho đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan của Chính phủ cùng MTTQ Việt Nam và cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo, phụ lục, nghị quyết, phim minh hoạ để báo cáo lại xin ý kiến UBTVQH đảm bảo chất lượng trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc tập trung được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch là nỗ lực, cố gắng vượt bậc