Vì sao vốn đầu tư công thực hiện tháng 7/2021 giảm?

Anh Tuấn| 10/08/2021 12:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân đạt 398,6 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% kế hoạch vốn được giao.

Nguyên nhân việc chậm giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN

Vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) giải ngân tính đến 31/7/2021 đạt 169,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch, giảm 40,67% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh một số Bộ và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn từ nguồn NSNN cao, vẫn còn 7 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 02 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

giai-ngan.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Một số nguyên nhân giải thích cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN bao gồm:

Công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia;

Việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt;

Vướng mắc trong đầu tư chậm được xử lý như giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án;

Một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định;

Dịch Covid-19 tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của các dự án.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 ước tính đạt 38,3 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 210,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm 35,2 nghìn tỷ đồng vốn Trung ương quản lý và 175,6 nghìn tỷ đồng vốn địa phương quản lý.

Với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trong thời giãn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều dự án, công trình phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong phòng chống dịch bệnh cũng như phải thực hiện giãn cách trên công trường. Đây là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong tháng 7/2021.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 năm 2021 giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN của 19 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 7/2021 ước tính đạt 11.7 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn và giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước (tháng 7/2020 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn).

ngan-sach.png

Đặc biệt, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN được giao của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021 đạt 35.7 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch vốn của cả nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, vốn đầu tư thực hiện của Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/2021 ước đạt 3,2% so với kế hoạch năm 2021, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những tồn tại chưa thể khắc phục

Cũng theo Tổng cục Thống kê, còn tồn tại một số bất cập chưa thể khắc phục triệt để trong công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế, chủ quan, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế, thể chế pháp luật về đầu tư công, xây dựng chưa điều chỉnh theo kịp yêu cầu thực tiễn, quy định về nguồn vốn ODA còn phải phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này.

Đặc biệt giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công.

Để thực hiện và giải ngân được hết và có hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn NSNN năm 2021 nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trong các tháng còn lại của năm 2021như sau:

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Ðẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công bằng cách kết hợp các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ chỉ đạo Bộ ngành liên quan đưa ra các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát giá thép trong nước.

Ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu.

Ban hành kế hoạch thực hiện và giải ngân cho từng chủ đầu tư và yêu cầu cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án, trường hợp không đạt tiến độ cam kết sẽ kiên quyết xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, cần bổ sung vốn.

Ban hành chế tài nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công;

Các Bộ, ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Các Bộ, ngành cần thành lập Tổ công tác thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong từng Bộ, ngành để xử lý các điểm nghẽn trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn đến cuối năm;

Chủ động, tăng cường tổ chức kiểm tra hiện trường, giám sát việc thực hiện kế hoạch, chủ động rà soát tháo kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý;

Các chủ đầu tư/Ban QLDA rà soát, xây dựng quy định trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán nội bộ tại đơn vị, đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý và phù hợp với các quy định của pháp luật. Ban hành, công khai quy trình thực hiện-giải ngân tới các nhà thầu, tư vấn tham gia thực hiện dự án.

Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA. Nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị dự án, đảm bảo sẵn sàng khi dự án được phê duyệt.

Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Tăng cường đào tạo, tăng cường năng lực, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quan lý đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vốn đầu tư công thực hiện tháng 7/2021 giảm?