Theo số liệu ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cung cấp, trên cả nước đã có 18 ca tử vong và gần 30 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Căn cứ vào số liệu trên, cho thấy năm nay dịch sốt xuất huyết có xu hướng mạnh tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về dịch sốt xuất huyết tăng đột biến trong năm 2015, ông Trần Đắc Phu đã liệt kê ra hàng loạt nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân do chưa có vắc xin cũng như thuốc đặc trị sốt xuất huyết được ông Phu đặc biệt nhấn mạnh. Ông Phu cảnh báo dịch sốt xuất huyết luôn có nguy cơ bùng phát trên cả nước.
Yếu tố thời tiết thay đổi bất thường, cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm số ca sốt xuất huyết tăng mạnh. Cụ thể, với thời tiết ở miền Nam, sốt xuất huyết có quanh năm, bùng phát mạnh từ tháng 4-11, còn ở miền Bắc dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nông thôn, di dân khiến cho vùng sốt rét giảm đi nhưng lại làm tăng số ca sốt xuất huyết. Chu kỳ dịch sốt xuất huyết thay đổi khiến cho việc dự báo nguy cơ bùng phát dịch gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Phu cho rằng, nguồn nhân lực cũng như kinh phí dành cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết bị cắt giảm mất 40%, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại trong năm nay.
Ngay khi dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, lập 5 đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại dịch sốt xuất huyết đã có ở 50/63 tỉnh thành.
Việc loại bỏ các dụng cụ, ổ chứa diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt mỗi chưa được người dân hưởng ứng. Tại Hà Nội, chỉ có khoảng 60% người dân hưởng ứng việc phun hóa chất. Để làm tốt công tác tuyên truyền và đối phó với dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Cục Quân y của Bộ Quốc phòng vào cuộc, chung tay cùng Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Đặc biệt, năm nay số tuổi người mắc sốt xuất huyết cao hơn so với mọi năm, rơi vào độ tuổi từ 9-15. Những năm trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu từ 9 tuổi trở xuống.
18 ca tử vong vì sốt xuất huyết đều là những ca nặng. Trong số đó có những ca do diễn biến của bệnh ngày càng nghiêm trọng, nhưng cũng có những ca do bệnh nhân chủ quan khi bị sốt xuất huyết, đến khi có biến chứng thì mới đi khám, lúc đó thì đã quá muộn.
Chính vì vậy, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, khi có các triệu chứng như sốt, có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. "Rất nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nhưng vì đến cơ sở y tế khám muộn mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc", ông Phu nói.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là mỗi vằn nên người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu và bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lớp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt, xuất huyết…đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.