Trong đời làm báo, tôi đã từng chứng kiến nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, tương lai rộng mở, nhưng chỉ vì không thắng nổi sức cám dỗ của đồng tiền mà lao đầu vào con đường phạm tội để rồi phải lĩnh bản án cao nhất là tử hình. Vết trượt của những tử tù này vừa là bài học cảnh tỉnh, vừa khiến cho nhiều người nuối tiếc.
Cử nhân sư phạm buôn ma túy
Tuy sinh ra trong một gia đình nghèo, có đông anh em, nhưng từ nhỏ Hạ Bá Hùa (SN 1989, người dân tộc Mông ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã học rất giỏi. Suốt những năm phổ thông, Hùa liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Không ít lần cậu học trò nghèo vùng biên này còn đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, với nhiều môn học khác nhau.
Năm 2009, Hùa thi đậu vào trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội trong sự ngưỡng mộ và thán phục của bạn bè, hàng xóm. Dẫu gia đình khó khăn chồng chất, song bố mẹ Hùa vẫn quyết tâm cho con trai đi học. Thế là Hùa “hạ sơn”, khoác ba lô ra Thủ đô theo đuổi ước mơ làm thầy giáo.
Trải qua vô vàn khốn khó, vừa học vừa làm, năm 2013, Hùa tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Sau khi trở về quê chờ xin việc, Hùa lập gia đình với một cô gái cùng xã.
Chưa có việc làm, Hùa bàn với vợ mở một cửa hàng tạp hóa ngay gần nhà. Hằng ngày, Hùa chạy xe máy sang Lào mua hàng về cho vợ bán. Cuộc sống cứ thế chảy trôi...
Lấy nhau được hơn một năm mà vẫn không thấy vợ mang bầu nên Hùa dẫn vợ về Vinh để khám. Sau khi làm đủ mọi xét nghiệm, bác sỹ bảo vợ của Hùa bị u nang cả hai buồng trứng buộc phải phẫu thuật. Không đủ tiền nên hai vợ chồng lại đưa nhau ngược núi.
Với quyết tâm kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, Hùa mạnh dạn mở rộng việc buôn bán. Cũng vì thế, những chuyến qua Lào của Hùa ngày một dày hơn. Trong những lần sang nước bạn, Hùa đã gặp một người đàn ông tên Khăm không rõ quê quán. Qua câu chuyện, Khăm đề nghị Hùa về nước tìm mối tiêu thụ ma túy, mỗi phi vụ thành công, Hùa sẽ được trả tiền công 2.000USD. Mặc dù túng thiếu, nhưng chàng trai bản vẫn kiên quyết chối từ.
Tuy nhiên, khi trở về với cuộc sống gia đình nhiều khó khăn đã khiến Hùa luôn phải dày vò. Đến đầu năm 2015, khi Hùa sang Lào và gặp lại Khăm thì mọi chuyện đã thay đổi. Chàng cử nhân người dân tộc Mông chấp nhận lời đề nghị của Khăm và nhận trước một số tiền công khá lớn. Sau đó, Hùa về nước đưa vợ xuống bệnh viện tỉnh để phẫu thuật.
Sau chuyến đầu trót lọt, lại cần tiền cho vợ chữa bệnh nên Hùa tiếp tục lún sâu vào con đường phạm tội. Thế nhưng “lưới trời lồng lộng”, một lần đang giao hàng cho khách thì Hùa bị lực lượng Công an tỉnh Nghệ An ập vào bắt quả tang. Tang vật mà cơ quan công an thu giữ tại hiện trường gồm 8 bánh heroin, 3 điện thoại di động, 2 xe máy và 1.000USD. Sau đó, Hùa còn khai thêm đã từng thực hiện việc mua bán, vận chuyển 20 bánh heroin với trọng lượng gần 7kg.
Khi bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử, Hùa đã thành thật khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Khi được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, Hùa bảo: “Bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Chỉ vì vợ bị cáo bị bệnh nặng, cần tiền phẫu thuật nên bị cáo mới đi buôn ma túy, chứ thực ra bị cáo chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm như thế…
Giờ chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo một con đường sống để bị cáo chuộc lại lỗi lầm của mình, có cơ hội phụng dưỡng, báo hiếu với cha mẹ. Nếu vợ bị cáo sinh con được thì cô ấy còn có tương lai, nhưng giờ cô ấy bệnh tật, không có cơ hội được làm mẹ thì coi như tương lai của cô ấy cũng không còn. Bị cáo mong được sống để có thể chăm sóc vợ, làm chỗ dựa cho vợ”.
Những lời tâm sự ruột gan ấy khiến bố mẹ và đặc biệt là vợ của Hùa - Hờ Y D (SN 1996, trú bản Sơn Hà, xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn) - ngồi phía dưới thút thít không ngừng.
Có lẽ rất hiếm người vợ Mông nào phải chịu “nỗi đau kép” như D. Chồng dính vòng lao lý, bản thân lại bị tước đi quyền làm mẹ, nỗi đau nào cũng lớn lao. “Mấy lần đi bệnh viện, em có hỏi là tiền lấy ở đâu ra thì chồng toàn bảo là vay mượn bạn bè. Nếu biết là anh ấy đi vận chuyển ma túy thì em sẽ nhất định ngăn cản cho bằng được. Vì vợ chồng sống với nhau không có con cũng được mà”, D. vừa khóc vừa nói.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt Hạ Bá Hùa mức án tử hình. Có lẽ đã mường tượng ra kết cục mà mình phải đón nhận, Hùa tỏ ra hết sức bình tĩnh, không có vẻ gì là bất ngờ hay hoảng loạn. Chỉ đến khi bị dẫn giải ra xe bít bùng, Hùa mới vội vã hướng mắt về phía người thân, kèm theo lời nhắn: “Bố mẹ và mọi người nhớ giữ gìn sức khỏe. Con xin lỗi”…
Tham tiền, thầy giáo lên “đoạn đầu đài”
Nếu như Hạ Bá Hùa cần tiền cứu vợ thì người ta có thể phần nào lý giải, song trường hợp Nguyễn Hữu Thắng (SN 1986, ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) lại hoàn toàn khác. Chỉ vì ham mê rượu chè, cờ bạc mà Thắng đã biến mình từ một thầy giáo trở thành kẻ giết người máu lạnh. Không chỉ đẩy mình lên “chuyến đò về âm phủ”, Thắng còn khiến phần đời còn lại của mẹ già trôi đi trong cô tủi.
Nhìn vào vết trượt của Thắng, nhiều người không khỏi thầm tiếc cho một thanh niên đang có tiền đồ sáng lạn. Trước khi gây án, Thắng đang công tác tại một trường trung cấp nghề ở Vĩnh Yên, nhưng chỉ vì không thắng được sức hút ma mị của đồng tiền, chỉ vì những thú vui lầm lạc mà hắn đã tước đi mạng sống của một người vô tội. Không những thế, hắn còn tự tước đi quyền được sống của chính bản thân mình.
Tất cả mọi chuyện bắt đầu từ khi Thắng quen với chị N.T.T.H (SN 1985, ở Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương). Sau vài lần tâm sự, hắn biết H. vừa mới tốt nghiệp hệ tại chức trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội và đang xin việc. Thấy có thể “giăng câu”, hắn liền hứa rằng có thể giúp H. vào làm kế toán ở một công ty nước ngoài với mức lương “khủng”.
Như người chết đuối vớ được cọc, H. dễ dàng “sập bẫy”. Theo yêu cầu của Thắng, H. tất tả chạy vạy, vay mượn tiền rồi chuyển vào tài khoản của hắn gọi là chút tiền để “ngoại giao”. Và sau này, khi tiến hành điều tra, cơ quan công an đã lần theo dấu vết từ tờ hóa đơn gửi tiền mà lần ra hung thủ.
Sau khi nhận được tiền H. gửi, Thắng rút hết ra để ăn tiêu. Mỗi lần H. nhắc nhở, hỏi han xem công việc tiến triển thế nào, Thắng đều tìm cách “câu giờ”. Lúc thì hắn bảo, “ông giám đốc đi công tác nước ngoài”, khi thì viện cớ “ông ấy về rồi, nhưng mấy hôm nay còn đang bận tiếp đối tác”… Nghe vậy, H. bắt đầu bán tín bán nghi.
Thấy tình hình không ổn, Thắng quyết tâm tìm cách để thoát khỏi sự đeo bám của H. Trong lúc bí bách, hắn đã nghĩ ra một kế không thể tàn độc hơn, đó là hạ sát cô bạn mới quen. Bởi hắn tính, như thế vừa không phải trả số tiền, mà còn có thể cướp được tài sản của nạn nhân.
Nghĩ là làm, Thắng gọi rồi rủ H. đi gặp người xin việc. Tới đoạn đường vắng tại khu vực bờ mương thôn Nhuế, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), Thắng bảo H. xuống xe nói chuyện. H. vừa xuống xe liền bị hắn tấn công bằng những nhát dao chí mạng. Thấy H. đã tử vong, hắn lấy xe máy của nạn nhân mang về cất giấu tại một nhà trọ ở TP.Vĩnh Yên. Hai ngày sau, hắn bị bắt giữ khi đang trên đường lẩn trốn. Sau đó, Thắng bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt tử hình.
Trong suốt những ngày sau đó, Thắng gần như không bao giờ chợp mắt, đêm nào hắn cũng thao thức cho tới sáng. Hắn bảo, lúc đó hắn suy sụp đến mức chỉ muốn tìm đến cái chết. Chết để quên, chết để giải thoát cho mình. Có khi đến hai ba ngày liền hắn không hề ăn một hạt cơm nào. Bởi, mỗi khi bưng bát lên thì hình ảnh mẹ già lụi cụi một mình trong xó bếp lại khiến hắn trào nước mắt. Nhưng, sau khi được các quản giáo ân cần khuyên bảo, động viên, hắn dần lấy lại tinh thần.
Thắng bảo, kể từ khi “chuyển khẩu” vào trại giam, hắn chỉ canh cánh một nỗi lo về mẹ. Hắn sợ sau này tuổi già của bà không nơi nương tựa. “Lúc khỏe mạnh thì không nói làm gì, nhưng mẹ em giờ tuổi cao sức yếu, trái gió trở trời biết trông cậy vào ai?! Hơn nữa, kể từ ngày em gây ra án mạng, mẹ em cũng phải vay mượn nhiều để đền bù cho nhà người ta, không biết bao giờ mới trả hết nợ. Em là thằng con bất hiếu…”, vừa nói, Thắng vừa cúi gằm giấu đi gương mặt nhòe nhoẹt nước.
Nhìn vào vết trượt của Thắng và Hùa, rất nhiều người cảm thấy nuối tiếc. Cả hai tuổi đời đều còn rất trẻ, có sức khỏe, được học hành tử tế, chỉ vì những ham muốn tội lỗi mà gây nên tội ác. Nếu không vì lòng tham vô độ, họ sẽ có một tương lai xán lạn, có cuộc sống hạnh phúc, thậm chí có thể sẽ thành đạt. Sa ngã thì có dăm bảy đường, nhưng thiện lương chỉ có một, âu đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, không chỉ ở vùng cao.