Vấn đề quan tâm

Vấn nạn trẻ hoá tội phạm và những vụ án rúng động gây ra bởi “tuổi teen” (Kỳ 1)

Đức Sơn 30/10/2023 08:00

Theo chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp khiến các bị can “tuổi teen” gây án có thể xuất phát từ mong muốn giải toả các bức xúc, ức chế tâm lý tại thời điểm đó.

uong-sua-tu-vong-o-tien-giang.png
Công an làm việc với gia đình của P.M.Q.

Con trai đầu độc bố và bà nội

Cách đây ít ngày, vụ án thiếu niên 14 tuổi đầu độc, sát hại bố và bà nội ở tỉnh Tiền Giang đã gây rúng động dư luận trước tính chất, diễn biến của vụ án cũng như tuổi đời còn rất trẻ của nghi phạm P.M.Q. (14 tuổi).

Trong vụ án này, cơ quan Công an xác định nạn nhân P.V.Y. (45 tuổi) - bố của Q. đã ly hôn với mẹ của Q. khoảng 8 năm trước. Sau đó, Q. nghỉ học và đi làm ở vựa trái cây của dì ruột. Năm 2022, Q. quay trở về sống với ông Y. và mẹ ông này ở xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Quá trình chung sống, Q. khai nhận đã tích tụ nhiều khúc mắc, mâu thuẫn khi bố thường xuyên uống rượu. Nhiều lần Q. Khuyên ngăn nhưng bị ông Y. chửi mắng nên nảy sinh lòng hận thù và ý định giết người. Sau đó, Q. đã đi xin bả chó bỏ vào hộp sữa khiến bà nội là P.T.P (83 tuổi) và bố đẻ P.V.Y. tử vong khi uống phải.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp P.M.Q. về tội “Giết người”.

“Côn đồ” trẻ tuổi truy sát 2 anh em ruột tử vong

Tháng 7/2023, một vụ án nhận được sự quan tâm của dư luận khác là việc hai anh em ruột là P.V.T. (16 tuổi) và P.V.T. (15 tuổi) tử vong khi bị nhóm “côn đồ” truy sát trên đường.

screenshot_20230728-190203_bo-mi.jpg
Hiện trường nơi 2 anh em ruột bị truy sát tử vong

Rạng sáng 19/6, hai anh em T. điều khiển xe máy di chuyển từ thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương về nhà ở xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng.

Khi qua đoạn đường liên xã thuộc thôn 1, xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên), hai anh em bị nhóm thanh, thiếu niên trên dùng xe máy truy đuổi, tấn công, khiến anh em T hoảng sợ bỏ chạy nhanh rồi đâm trúng gốc cây bên đường.

Sau đó, hai anh em T bị ngã xuống đường, rồi bị nhóm thanh, thiếu niên trên dùng hung khí tấn công dẫn đến tử vong.

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố 11 bị can có độ tuổi từ 17 - 21 về tội “Giết người”; 2 bị can bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

9_2023-164-1-.png
Nhóm "côn đồ" nhí nổ súng đuổi, đánh nhóm khác trên phố Hà Nội

Hàng loạt vụ “côn đồ tuổi teen” náo loạn đường phố

Ngoài 2 vụ án nổi bật, gây rúng động dư luận nói trên, thời gian vừa qua, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khởi tố, điều tra, bắt giữ hàng loạt vụ án, hàng trăm đối tượng chủ yếu về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”.

Điểm chung của các đối tượng đều là những thanh, thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có những đối tượng đang ở “tuổi teen” (13 - 19 tuổi) nhưng đã rất liều lĩnh, manh động. Nhóm đối tượng này thường gây án với số lượng đông đảo, điều khiển xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú còi inh ỏi và mang nhiều hung khí với lý do “phòng thân”.

Thậm chí, có nhiều đối tượng còn di chuyển tử tỉnh, thành phố này sang địa phương thuộc tỉnh, thành phố khác để tìm người đánh nhau. Hành vi này đã khiến phức tạp hoá tình hình an ninh, trật tự cục bộ tại một số địa phương, gây náo loạn đường phố, gây bất an cho cuộc sống thường nhật của người dân.

Do vậy, việc lực lượng Công an quyết liệt xác minh, điều tra, truy bắt và xử lý triệt để những trường hợp này là cần thiết.

29998751052472377153725351247792687142922794n-edited-crop-1678033801624.jpeg.png
Thượng tá - Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu

Nguyên nhân vì đâu?

Trao đổi với PV Công Lý, Thượng tá - Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, hiện tượng người thân trong gia đình giết nhau không còn là chuyện cá biệt, mà buồn thay, đã là khá phổ biến trong những năm qua ở nhiều địa phương, phản ánh những điều bất thường trong xã hội hiện nay và nhức nhối hơn cả đó là sự trẻ hoá tội phạm.

Theo Thượng tá Hiếu, đánh giá, nhận định về hành vi của kẻ thủ ác dưới góc độ tội phạm học, tâm lý học hành vi sẽ nhận thấy một số điểm chung. Cụ thể, trong vụ án cậu bé 14 tuổi bỏ thuốc độc vào sữa để đầu độc bố và bà nội ở Tiền Giang, có thể thấy động cơ gây án của hung thủ đối với người thân của mình đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong đời sống chung.

Thượng tá Hiếu cho hay, ở lứa “tuổi teen”, các đối tượng đã có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Khi quyết định bỏ thuốc độc vào đồ uống của bố hay khi tụ tập đồng bọn đi đánh nhau, các đối tượng đều biết rõ hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng vẫn quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

“Nguyên nhân trực tiếp khiến chúng quyết định gây án có thể xuất phát từ mong muốn giải toả các bức xúc, ức chế tâm lý tại thời điểm đó, hoặc những ức chế đã tích tụ lâu ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, thủ phạm giấu mặt trong tội ác này lại do sự sa sút về đạo đức, lối sống.

Điều này phản ánh trong nhân cách các đối tượng đã chứa đựng những đặc điểm tiêu cực, đó có thể là sự hỗn hào, vô ơn, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức, hoặc không được giáo dục để biết đến các giá trị này.

Ngoài ra, thói quen sống phóng túng, hoặc ích kỷ, thích hưởng thụ, tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, thói quen đòi hỏi vô lối… cũng là một phần căn nguyên. Cũng có thể những tính cách xấu này bị tiêm nhiễm từ môi trường sống xung quanh có những người có thói quen bạo lực, thiếu kiên nhẫn, thích thể hiện cái tôi…”, Thượng tá Hiếu nói.

Theo nhận định của Thượng tá Hiếu, với một nhân cách đã chứa đựng những phẩm chất lệch lạc như trên, khi gặp phải các tình huống bất như ý, dễ làm các đối tượng cảm thấy bị tổn thương, kích động, biến thành cơn giận dữ bên trong. Lúc này, đối tượng sẽ có nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng các biện pháp bạo lực, gây hại cho đối tượng được cho là nguyên nhân dẫn đến ức chế của mình mà không suy nghĩ nhiều đến hậu quả hành vi.

Chia sẻ về thực trạng cuộc sống của giới trẻ hiện nay, vị Tiến sĩ tội phạm học cũng cho rằng giới trẻ đang bị “bủa vây” từ các yếu tố bất lợi trong mọi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ trò chơi game bạo lực, ấn phẩm bạo lực phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng cùng phim ảnh nước ngoài.

“Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị, thẩm mỹ, phong cách ứng xử. Trong nhiều trường hợp những câu chuyện bạo lực mà người trẻ tiếp cận trên phim ảnh, clip trên mạng đã trở thành khuôn mẫu ứng xử, hội chứng bắt chước, làm theo các nhân vật “yêng hùng”, giang hồ mạng…là có thật. Bên cạnh đó, môi trường gia đình hiện nay cũng có quá nhiều vấn đề tác động đến người trẻ.

Trước hết do áp lực cuộc sống, bươn chải mưu sinh, nên nhiều gia đình bố mẹ không có thời gian để quan tâm đến con cái, đời sống xã hội với nhiều cám dỗ, cuốn các thành viên chạy theo danh lợi phù phiếm, làm mọi việc vì tiền, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, gia đình Việt đang đứng trước cơn đại dịch có tên ly hôn”, Thượng tá Hiếu chia sẻ.

Trong hoàn cảnh gia đình không đủ đầy, có liên kết lỏng lẻo, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng sự bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn. Nếu trẻ bị lôi cuốn vào các nhóm xã hội tiêu cực đầy rẫy trên mạng xã hội, bị sự rủ rê lôi kéo, trong khi chưa đủ khôn để phân định đúng sai, sự trượt dốc, thoái hoá về nhân cách là điều dễ hiểu.

Đặc biệt, trẻ em trong hoàn cảnh “lời ru chia đôi” phải theo mẹ hoặc bố ở với người mới, rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, hoặc chính chúng do buồn chán, thất vọng, hụt hẫng và bị dẫn dụ vào các việc làm vi phạm pháp luật.

*Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2 vào 8h ngày 31/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn trẻ hoá tội phạm và những vụ án rúng động gây ra bởi “tuổi teen” (Kỳ 1)