Ngày 15/1, TANDTC phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị trực tuyến kinh nghiệm quốc tế về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Dự và đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC.
Bảo vệ tốt hơn nữa các quyền và lợi ích của người chưa thành niên
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua điểm cầu trung tâm tại Hội trường B222, trụ sở TANDTC và hơn 800 điểm cầu thành phần tại các đơn vị trong hệ thống Tòa án.
Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Lãnh đạo cấp Vụ và công chức giữ các chức danh Thư ký viên, Thẩm tra viên các ngạch tại các đơn vị thuộc TANDTC; đại diện các cơ quan tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan.
Về phía đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà Nội có ông Rayan Mckean, Giám đốc Cục phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế; ông Samuel Jett, Điều phối viên, Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Chuyên gia quốc tế có ông Paul Cozza, Thẩm phán Tòa án hạt Allegheny County; ông David Evrard, Phó phòng Quản chế thuộc Tòa án Người chưa thành niên hạt Allegheny; Ông Michael George, Chánh tòa hạt Adams thuộc Tòa Common Pleas, bang Pennsylvania; ông Peter Hochuli, Thẩm phán Tòa cấp cao hạt Pima…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh: Một trong những nỗ lực của TANDTC, góp phần đạt được thành tựu bảo vệ người chưa thành niên tham gia tố tụng tại Tòa án là công tác hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản pháp luật.
Theo đó, TANDTC đã đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách liên quan đến người chưa thành niên như việc ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân được coi là dấu ấn quan trọng, một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giải quyết các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên nói riêng.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, TANDTC đã tích cực tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó có tổ chức nhiều Hội nghị trực tiếp và trực tuyến chuyên đề về người chưa thành niên không chỉ nội bộ trong nước mà còn học tập kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
“Mỗi quốc gia mặc dù hệ thống pháp luật có những điểm khác nhau, nhưng việc học hỏi, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia đó phù hợp với thực tiễn Việt Nam sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn nữa các quyền và lợi ích của người chưa thành niên, đáp ứng yêu cầu của đòi hỏi thực tiễn và phù hợp với các khuyến nghị quốc tế, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam như hiện nay”, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho hay.
Nhiều tình huống cụ thể được chuyên gia Hoa Kỳ giải đáp
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe các chuyên gia là các Thẩm phán, nhà hoạt động thực tiễn đến từ Hoa Kỳ trình bày một số chuyên đề về: “Kinh nghiệm quốc tế về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội”; “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong tư pháp người chưa thành niên”; “Tầm quan trọng của thuật ngữ trong tư pháp người chưa thành niên nhằm chuyển trọng tâm vào phục hồi”; “Quy trình riêng biệt cho người chưa thành niên”; “Các tiêu chuẩn quốc tế về tư pháp người chưa thành niên”.
Đồng thời, các đại biểu tham dự tại các điểm cầu đã đặt ra nhiều câu hỏi với các chuyên gia Hoa Kỳ liên quan đến một số vấn đề pháp lý trong quá trình giải quyết đối với người chưa thành niên phạm tội.
Cụ thể, TAND tỉnh Quảng Ninh hỏi: Cảnh sát và công tố viên có quyền đề nghị cán bộ quản chế đưa ra các kiến nghị cho Tòa án về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hay không? Vai trò của cơ quan này trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội như thế nào? Ở Hạt Pima (Hoa Kỳ) có phiên tòa tiếp nhận. Xin các chuyên gia nói rõ hơn về phiên tòa này, những ai thuộc thành phần là người phải tham gia phiên tòa?
Giải đáp nội dung này, chuyên gia Hoa Kỳ cho biết, vai trò cán bộ quản chế sẽ tham gia sau khi cảnh sát đã tiến hành công tác điều tra tội phạm. Cán bộ quản chế được tiến hành thẩm vấn, lấy lời khai của người chưa thành niên phạm tội trước khi ra Tòa nhưng điều này không giúp quyết định xem liệu em đó có phạm tội hay không mà đưa ra những khuyến nghị trước tòa xem đâu là những dịch vụ tốt nhất để cung cấp cho người chưa thành niên phạm tội.
Chuyên gia cũng cho biết, ở Hạt Pima có phiên tòa tiếp nhận, các phiên tòa đều có cùng các bên tham gia là Thẩm phán giám sát toàn bộ phiên tòa, cán bộ quản chế tham gia phiên tòa đưa ra các khuyến nghị và các công tố viên. Ngoài ra có luật sư biện hộ cho trẻ vị thành niên, các bậc phụ huynh và bản thân trẻ vị thành niên…
TAND TP Hồ Chí Minh hỏi: Luật tư pháp người chưa thành niên ở bang Pennsylvania quy định những nội dung gì? Có bao gồm tất cả các nội dung về hình phạt xử lý chuyển hướng, thủ tục tố tụng xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật tư pháp chưa thành niên của Việt Nam hay không? Chuyên gia đã trình bày về việc xây dựng kế hoạch xử lý vụ việc toàn diện bằng văn bản khi tiếp nhận người chưa thành niên phạm tội. Vậy kế hoạch này do ai xây dựng, các chế tài đề nghị trong kế hoạch có được pháp luật quy định cụ thể không hay do người lập kế hoạch đề xuất tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể?
Theo chuyên gia Hoa Kỳ: Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên do TANDTC chủ trì xây dựng có rất nhiều sự tương đồng. Tuy nhiên vẫn có một số khác biệt. Ở Hoa Kỳ, cán bộ ở cơ quan thực thi pháp luật họ có thể chuyển hướng các em ra khỏi hệ thống bằng cách xử lý về tội phạm hành chính thông thường, sau đó được xử lý bằng tòa sơ thẩm cấp thấp.
Nếu tội phạm mà nặng hơn họ sẽ chuyển sang cán bộ quản chế để tiến hành đánh giá xem nhu cầu của trẻ là gì? Đâu là nguyên nhân gây ra tội phạm đó của trẻ? Có phải do trẻ có vấn đề về tâm thần hay trẻ liên quan đến nghiện rượu, ma túy hoặc bối cảnh gia đình của trẻ nghèo đói, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Trong trường hợp tội phạm có bản chất là tội phạm hành chính, cán bộ quản chế có khả năng để chuyển hướng các em sang những chương trình điều trị khác nhau. Nếu tội phạm rất nghiêm trọng thì lúc đó việc xử lý sẽ thông qua nộp cáo buộc và được đưa ra trước Tòa.
Tất cả những quyết định liên quan đến phúc lợi của trẻ sẽ do Thẩm phán đưa ra, quyết định dựa trên những khuyến nghị từ công tố viên, cán bộ quản chế và luật sư biện hộ cho trẻ và ảnh hưởng đối với nạn nhân như thế nào. Dựa trên những thông tin này, Thẩm phán sẽ phát triển một kế hoạch vụ việc, quyết định các biện pháp điều trị là gì, khi đó vai trò của cán bộ quản chế để họ đảm bảo tuân thủ theo kế hoạch vụ việc đó….
Bên cạnh việc đặt câu hỏi đối với các chuyên gia, các đại biểu cũng trao đổi thảo luận đóng góp thêm ý kiến để làm sâu sắc hơn nội dung liên quan trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên.
Kết luận Hội nghị, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến khẳng định, các kinh nghiệm mà các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị có nhiều chế định rất tiến bộ. Đây là những kinh nghiệm quý báu để TANDTC nghiêm cứu, tham khảo, học hỏi trong quá trình xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên trong thời gian tới.
Nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đề nghị các Tòa án nghiêm túc học hỏi, vận dụng các kinh nghiệm quý báu mà các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ phù hợp với thực tiễn Việt Nam để tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên bảo đảm chất lượng.