Cải cách tư pháp

Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên

Mai Đỉnh 15/06/2023 - 15:36

Ngày 15/6, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức TAND, TAQS các cấp với chuyên đề “Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên”. Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng tham dự tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; các Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 600 điểm cầu trong toàn hệ thống Tòa án.

Về phía chuyên gia Đức có: Bà Angela Lummel, Trưởng Bộ phận Châu Á, Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật; Giáo sư, Tiến sỹ Georg Friedrich Guntge, Giáo sư Luật tại Đại học Kiel, Trưởng Công tố viên của Tổng chưởng lý bang Schleswig-Holstein, Cộng hòa Liên bang Đức; Bà Annette Eisenhardt, LL.M., Thạc sỹ Luật, Thẩm phán tại Tòa án quận Berlin-Tiergarten, Luật Hình sự Vị thành niên.

an-nguoi-chua-thanh-nien6(1).jpg
Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thời gian vừa qua, cùng với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mang tính đột phá, công tác xét xử của TAND nói chung và công tác giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu, việc giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, luôn tuân thủ nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên”.

Theo Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ, một trong những nỗ lực của TANDTC, góp phần bảo vệ người chưa thành niên tham gia tố tụng tại Tòa án là công tác hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản pháp luật. 

Việc ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND được coi là dấu ấn quan trọng, một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giải quyết các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên nói riêng.

Đặc biệt, ngày 2/6/2023 vừa qua, Quốc hội đã nhất trí thông qua đề xuất của TANDTC về việc nghiên cứu, ban hành đạo luật riêng biệt về tư pháp người chưa thành niên (dự kiến thông qua tháng 10/2024).

an-nguoi-chua-thanh-nien1(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị tâp huấn chuyên đề “Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên”.

Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ cho rằng hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực. Do đó, việc bảo vệ người chưa thành niên, chủ nhân tương lai của đất nước cần có cơ chế giải quyết mang đặc thù, phù hợp.

Một trong những mong muốn của TANDTC là các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của quốc tế trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.

Tại Hội nghị, các đại biểu được các chuyên gia Đức chia sẻ các nội dung: Đặc điểm chính thức của thủ tục tố tụng hình sự Đức; Tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Đức; Luật hình sự người chưa thành niên: Thực tiễn việc áp dụng các hình phạt; Vai trò hỗ trợ của Tòa người chưa thành niên; Áp dụng luật hình sự đối với người chưa thành niên và các khía cạnh khác nhau và thực tiễn tốt nhất.

Hội nghị đã trình chiếu phim giới thiệu thủ tục xét xử hình sự đối với người chưa thành niên - Vụ án "Cướp áo khoác hàng hiệu và hậu quả". Đồng thời, bà Annette Eisenhardt, LL.M., Thạc sỹ Luật, Thẩm phán tại Tòa án quận Berlin-Tiergarten, Luật Hình sự Vị thành niên giới thiệu các vai trò khác nhau trong tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên theo các phần phim khác nhau.

an-nguoi-chua-thanh-nien3(1).jpg
Chuyên gia Đức giới thiêu Luật Hình sự Vị thành niên.

Các chuyên gia nhìn nhận, với mục đích và tư tưởng giáo dục của Luật Hình sự Vị thành niên của Đức hướng tới là sự phòng ngừa, không phát sinh tội phạm mới và sự phát triển tích cực của người vị thành niên với phương tiện là lấy tư tưởng giáo dục làm định hướng cho toàn bộ quá trình truy tố, bao gồm cả hậu quả pháp lý.

Theo Luật Hình sự Vị thành niên Đức, người chưa thành niên là người từ 14-17 tuổi, trách nhiệm hình sự bắt đầu tính từ tuổi 14 (Điều 19 BLHS – Điều 40 III Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em UNCRC), nhưng bắt buộc kiểm tra cá nhân về mức độ trưởng thành xét theo luật hình sự (Điều 3 Luật Hình sự Vị thành niên). Với người mới thành niên từ 18-20 tuổi, có hạn chế về chế tài theo Luật Hình sự Vị thành niên phụ thuộc vào kết quả suy xét từng trường hợp cụ thể.

an-nguoi-chua-thanh-nien4(1).jpg
Giáo sư, Tiến sỹ Georg Friedrich Guntge, Giáo sư Luật tại Đại học Kiel, Trưởng Công tố viên của Tổng chưởng lý bang Schleswig-Holstein, Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ tại Hội nghị.

Ngoài ra, xét về mức độ phát triển về đạo đức và trí tuệ, người mới thành niên ở thời điểm phạm pháp có thể coi là người chưa thành niên. Quan trọng nhất là liệu đó có phải là một người chưa có tính cách ổn định, đang phát triển, có thể tác động được, năng lượng phát triển vẫn còn hiệu quả ở mức độ lớn hơn hay không.

Bên cạnh đó, Luật Hình sự Vị thành niên có bộ phận hỗ trợ Tòa án người chưa thành niên được đảm nhận bởi các phòng phúc lợi thanh thiếu niên, hợp tác với các tổ chức dân sự hỗ trợ thanh thiếu niên, có nhiệm vụ hỗ trợ người chưa thành niên, hỗ trợ người chưa thành niên đưa ra quyết định, chăm sóc, tư vấn và giám sát các chế tài ngoại trú đối với người chưa thành niên.

an-nguoi-chua-thanh-nien5(1).jpg
Bà Angela Lummel, Trưởng Bộ phận Châu Á, Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật phát biểu tại Hội nghị.

Năm 2022, Đoàn công tác của TANDTC do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Đức. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Cộng hòa liên bang Đức, đồng chí Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thấy rằng nhiều chế định về người chưa thành niên của Đức rất tiến bộ cần được học hỏi.

Cũng nhân chuyến làm việc này, Đoàn công tác TANDTC đã đề nghị Đức hỗ trợ xây dựng một bộ phim làm tài liệu học tập cho các khóa đào tạo pháp lý ban đầu và bồi dưỡng nâng cao về kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên được thực hiện tại các Tòa án Đức. Bộ phim đề cập đến một vụ án hình sự hư cấu trước Tòa án Đức, trong đó hai thanh niên bị xét xử trước Tòa án vị thành niên về tội cướp tài sản và hành vi gây thương tích nguy hiểm. Đến nay, bộ phim này đã được hoàn thành.

an-nguoi-chua-thanh-nien2(1).jpg
Hội nghị trình chiếu phim giới thiệu thủ tục xét xử hình sự đối với người chưa thành niên - Vụ án "Cướp áo khoắc hàng hiệu và hậu quả".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên