Ngày 10/11, tại trụ sở TANDTC, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã tiếp bà Najat Maalla M'jid, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) về vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đến thăm và làm việc với TANDTC.
Cùng đi với bà Najat Maalla M'jid có ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và các cán bộ cấp cao của UNICEF.
Tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã bày tỏ vui mừng được tiếp đón bà Najat Maalla M'jid, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về vấn đề bạo lực đối với trẻ em cùng các thành viên trong đoàn. Đồng thời, Chánh án đánh giá cao những hỗ trợ cho ngành Tòa án và trẻ em Việt Nam trong suốt thời gian qua. Cùng với đó, Chánh án cũng tái khẳng định quan điểm quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em, cũng như thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo vệ trẻ em.
Thông tin với bà Najat Maalla M'jid và các thành viên trong đoàn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua Việt Nam tích cực, không ngừng hoàn thiện pháp luật và tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ người chưa thành niên và trên thực tế đã bảo vệ người chưa thành niên hiệu quả trước sự xâm hại của các loại tội phạm, phòng ngừa tích cực, hạn chế người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Hiện nay, ngoài Hiến pháp, Việt Nam có 30 Bộ luật, Luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tư pháp người chưa thành niên và hơn 20 văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn thi hành về người chưa thành niên. Hơn nữa, trong các đạo luật có điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên có nhiều điểm tiến bộ.
Nhấn mạnh trong công tác tăng cường tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Trong tố tụng hình sự, bước đầu đã quy định những quy định về tố tụng thân thiện với trẻ em, và điều này được giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC bằng việc ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, Nghị quyết này có thể nói được kế thừa các kinh nghiệm, các quy định tốt nhất cho trẻ em trên thế giới hiện nay, được các chuyên gia pháp lý ở nhiều nước đánh giá cao”.
Cùng với đó, hệ thống cơ quan bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên từng bước được kiện toàn. Theo quy định tại các điều 30, 38 và 45 của Luật tổ chức TAND thì trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn hệ thống Tòa án đã tổ chức được 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên. Đội ngũ Thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên đều là người có am hiểu tâm lý và được đào tạo về kỹ năng, giải quyết vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng.
Đặc biệt, dưới sự giúp sức của Liên minh châu Âu và UNICEF, hiện nay, TANDTC đang nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, sớm đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật này trong thời gian tới. Dự án luật này sẽ giải quyết những bài toán như, tố tụng thân thiện, giải pháp chuyển hướng, lực lượng công tác xã hội, tính chuyên nghiệp của cán bộ thực thi và cơ quan thực thi pháp luật…
Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ hy vọng LHQ, Liên minh châu Âu và UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TANDTC Việt Nam trong việc cho ra đời dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Bày tỏ sự quan tâm đến dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, bà Najat Maalla M'jid và ông Pier Giorgio Aliberti mong muốn TANDTC sẽ làm được nhiều việc cụ thể hơn nữa trong việc nghiên cứu và xây dựng luật trên, đồng thời thông qua các gợi ý của Chánh án sẽ có những cơ chế hợp tác phù hợp với TANDTC trong tiến trình này.
Chân thành cảm ơn Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã dành thời gian tiếp, bà Najat Maalla M'jid tin tưởng thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức của LHQ, trong đó có UNICEF cùng với Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng hợp tác với TANDTC Việt Nam để phòng, chống bạo lực đối với trẻ em.
Bà Najat Maalla M'jid cho rằng, trong thời gian tới, các bên liên quan có thể cùng nhau phối hợp để thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án trước khi dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được ra đời.