Ngày 10/1, tại TP. Đà Nẵng, TANDTC Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội”.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC và đồng chí Trần Hồng Hà, Thẩm phán TANDTC đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự Hội thảo có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; TAND cấp cao tại Đà Nẵng, TAND các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và TAND hai cấp tại TP. Đà Nẵng.
Về phía khách mời trong nước có PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp; PGS. TS Trần Đình Nhã, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; PGS. TS Cao Thị Oanh, Trưởng khoa Pháp luật Hình sự, Trường ĐH Luật Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; các Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Khách mời, chuyên gia quốc tế có ông Samuel Jett, Điều phối viên, Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội; ông Paul Cozza, Thẩm phán Tòa án hạt Allegheny County, thuộc Tòa án Common Pleas tại Pennsylvania; ông David Evrard, Phó phòng Quản chế thuộc Tòa án Người chưa thành niên hạt Allegheny; Ông Michael George, Chánh tòa hạt Adams thuộc Tòa Common Pleas, bang Pennsylvania; bà Autheman Violaine, Giám đốc kiêm Cố vấn Cấp cao cho Trung tâm Quốc gia Các tòa án tiểu bang (NCSC), chịu trách nhiệm thực hiện các dự án về tư pháp do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ tại Bắc Mỹ, Trung Đông và Nam Á.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC cho biết, các quốc gia đều xác định người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi tham gia vào các quan hệ xã hội, đặc biệt là trong hoạt động tư pháp. Hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực.
Do đó, để bảo vệ người chưa thành niên, chủ nhân tương lai của đất nước cần có cơ chế xử lý mang tính nhân văn, đặc thù, phù hợp với các em, nhất là người chưa thành niên phạm tội.
“Theo Nghị quyết của Quốc hội, TANDTC được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024. Triển khai Nghị quyết này, TANDTC đã tích cực tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật như: thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhóm chuyên gia, Nhóm xây dựng dự án Luật; Biên dịch, tham khảo luật pháp của một số quốc gia có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên; tổ chức các đoàn công tác học tập, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia; tổ chức các hội thảo, cuộc họp kỹ thuật với chuyên gia của UNICEF, tổ chức quốc tế, bộ ngành có liên quan… Trên cơ sở đó, TANDTC đã xây dựng dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên”, đồng chí Nguyễn Văn Tiến cho hay.
Để dự án Luật được trình ra Quốc hội đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được các mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm tốt đẹp của quốc tế, TANDTC phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội”.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đề nghị các đại biểu tham dự phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các chính sách mới về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; thủ tục tố tụng thân thiện; hệ thống hình phạt; căn cứ tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên.
Ông Samuel Juett, Điều phối viên, Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cảm ơn TANDTC Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình ý nghĩa này.
Ông Samuel Juett cho hay, “Tư pháp vị thành niên là một vấn đề phức tạp và nhiều mặt, đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và hợp tác - phụ huynh, giáo viên, thẩm phán, công tố viên, nhà lập pháp, thành viên cộng đồng; tất cả chúng ta đều có một vai trò để đóng góp”.
Vì vậy, ông khuyến khích các đại biểu tham dự hội thảo tích cực tham gia đặt câu hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển của một hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên, hệ thống này không tìm cách trừng phạt mà mở ra cơ hội cho người trẻ học hỏi từ những sai lầm của mình và đóng góp hữu ích cho xã hội.
Theo đó, Hội thảo được nghe ông David Evrard, Phó phòng Quản chế thuộc Tòa án Người chưa thành niên hạt Allegheny đã chia sẻ “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong tư pháp người chưa thành niên”; ông Peter Hochuli, Thẩm phán Tòa cấp cao hạt Pima, bang Pennsylvania với phần tham luận “Tầm quan trọng của thuật ngữ trong tư pháp người chưa thành niên nhằm chuyển trọng tâm vào phục hồi và tái hòa nhập”; “Quy trình riêng biệt cho người chưa thành niên” với sự chia sẻ của ông Michael George, Chánh tòa hạt Adams thuộc Tòa Common Pleas, bang Pennsylvania và “Các tiêu chuẩn quốc tế về tư pháp người chưa thành niên” của ông ông Paul Cozza, Thẩm phán Tòa án hạt Allegheny County, thuộc Tòa án Common Pleas tại Pennsylvania.
Hội nghị cũng được nghe 3 chuyên gia là nhà khoa học, bậc thầy hàng đầu trong lĩnh vực hình sự của Việt Nam. Trong đó, GS. TS Hoàng Thế Liên chia sẻ về “Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội”; PGS.TS Trần Đình Nhã trình bày tham luận “Các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên phạm tội” và PGS.TS. Cao Thị Oanh tham luận “Góp ý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên”.
Sau phần trình bày tham luận của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ và chuyên gia của Việt Nam, đại biểu hai bên đã đặt ra nhiều câu hỏi, góp ý đối với các nội dung của dự thảo Luật đồng thời cũng đã được nghe lời giải đáp của các bên.
Những ý kiến phát biểu của các đại biểu trong hội thảo sẽ là nguồn tư liệu, kiến thức quý báu để đơn vị chuyên trách tổng hợp, bổ sung và trình Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC cân nhắc, quyết định các phương án thể hiện trong dự án Luật.