Ngày 10/1, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp trong hoạt động xét xử với TAND 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC, VKSND cấp cao tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo TAND của 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức TAND cấp cao tại Hà Nội.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, với sự nỗ lực, quyết tâm, nghiêm túc thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại vụ việc; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đổi mới, vượt khó, trách nhiệm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích.
Về công tác giải quyết, xét xử phúc thẩm: Tổng số vụ án phải giải quyết 4.014 vụ/việc (trong đó, năm 2023 chuyển sang 818 vụ/việc; mới thụ lý 3.196 vụ/việc); đã giải quyết, xét xử 3.469 vụ/việc; Hình sự đạt tỷ lệ 90,1% (1.665/1.847 vụ án); Hành chính đạt tỷ lệ 81,3% (921/1.133 vụ án); Dân sự đạt tỷ lệ: 86,5% (1.046/1.209 vụ việc); đạt tỷ lệ chung 86,4%, tỷ lệ giải quyết chung tăng 5,2% so với năm 2023. Trong đó, hủy 168 vụ việc, sửa 960 vụ việc, giữ nguyên 1.542 vụ việc, đình chỉ 799 vụ việc.
Về công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm: Tổng số đơn phải giải quyết 2.657 đơn (trong đó năm 2023 chuyển sang 616 đơn; thụ lý mới 2.041 đơn), đã giải quyết 1.938 đơn, đạt tỷ lệ 72,9%. Trong đó, trả lời đơn: 1.707 đơn; kháng nghị: 74 vụ; giải quyết khác: 157 vụ…
Đơn vị dẫn đầu trong các TAND cấp cao về xét xử trực tuyến
Về xét xử trực tuyến: Trong năm 2024, TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức 898 phiên tòa trực tuyến, tăng gấp 02 lần so với năm 2023 và là đơn vị dẫn đầu trong các TAND cấp cao về xét xử trực tuyến.
Quá trình tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thường xuyên trao đổi, phối hợp tốt với nhau nhằm bảo đảm đường truyền hình ảnh để phiên tòa diễn ra đạt kết quả.
Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của một số địa phương chưa được trang bị đồng bộ, việc trao đổi về lịch xét xử trực tiếp và trực tuyến giữa các đơn vị và TAND cấp cao tại Hà Nội chưa kịp thời, nên thực tiễn có một số phiên tòa trực tuyến bị gián đoạn hoặc trùng với lịch xét xử trực tiếp của các TAND tỉnh, thành phố phía Bắc, dẫn đến phải hoãn phiên tòa.
Do đó, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh, thành phố phía Bắc trong thời gian tới cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất trang bị cơ sở vật chất và phối hợp trong việc thông tin lịch xét xử, bảo đảm không trùng lịch và bảo đảm phòng xét xử cho các đơn vị, giúp hoạt động xét xử không bị gián đoạn.
Phối hợp tốt công tác xét xử với các TAND địa phương
Trong thời gian vừa qua công tác phối hợp giữa TAND cấp cao tại Hà Nội với các TAND tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là tương đối tốt, nhất là công tác xét xử phúc thẩm tại địa phương, tổ chức phiên tòa trực tuyến, trao đổi nghiệp vụ, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, án dây, các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Khi phát sinh các vấn đề, các vụ án còn vướng mắc, chưa thống nhất được về quan điểm, đường lối giải quyết vụ án, nhiều địa phương đã chủ động có văn bản kèm tài liệu gửi đến TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội đã có quan điểm trao đổi về phương hướng giải quyết nhiều vụ án khó, phức tạp.
Trên cơ sở kết quả trao đổi chuyên môn, TAND các tỉnh đã có đường lối giải quyết đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật. Đây cũng là một giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc về chuyên môn, hạn chế những xung đột về quan điểm giữa các cấp xét xử trong thực tiễn.
TAND các tỉnh, thành phố luôn phối hợp tốt với TAND cấp cao tại Hà Nội trong việc thực hiện ủy thác tống đạt các văn bản tố tụng; thực hiện việc chuyển hồ sơ kháng cáo, chuyển hồ sơ vụ án theo yêu cầu rút hồ sơ của TAND cấp cao tại Hà Nội về cơ bản đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật; bố trí phương tiện kỹ thuật, hội trường xét xử cho TAND cấp cao tại Hà Nội về xét xử tại TAND tỉnh, thành phố đảm bảo đầy đủ, kịp thời….
Chính sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị đã giúp giải quyết nhiều nội dung vướng mắc, chất lượng công tác được nâng lên, công tác văn phòng, phục vụ phiên tòa xét xử của TAND cấp cao tại Hà Nội tại địa phương được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trong công tác phối hợp còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót cần được TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh, thành phố phía Bắc cùng nhau khắc phục để công tác xét xử của các đơn vị đạt hiệu quả cao hơn, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong giải quyết các vụ án, vụ việc
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, tại Chỉ thị số 06/CT-CA của Chánh án TANDTC Lê Minh Trí về nhiệm vụ công tác năm 2025 đã có những chỉ đạo sâu sát về công tác chuyên môn. Những chỉ đạo đó gắn liền với Hội nghị này, các Tòa án cần tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai Chỉ thị.
Khẳng định tầm quan trọng của việc trao đổi, rút kinh nghiệm công tác phối hợp xét xử, giải quyết án, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong giải quyết các vụ án, vụ việc. Áp dụng thống nhất pháp luật, đảm bảo thời hạn, triển khai đồng bộ hiệu quả việc xét xử trực tuyến,…
Cho ý kiến về một số nội dung, trả lời một số vấn đề chưa rõ, còn băn khoăn của TAND các tỉnh có ý kiến tham luận, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến lưu ý TAND cấp cao và TAND 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cần rà soát, tập trung nghiên cứu kỹ về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng Luật Tư pháp người chưa thành niên. Để đến khi Luật có hiệu lực sẽ áp dụng ngay các quy định có lợi cho người chưa thành niên tránh tình trạng áp dụng chưa đúng luật.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết sắp tới Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ có nhiều Nghị quyết hướng dẫn giải quyết về án ma túy; đánh bạc và Nghị quyết về tình tiết tăng nặng giảm nhẹ… Đề nghị các đồng chí Chánh án các tỉnh, thành phố có góp ý cụ thể để TANDTC phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các Nghị quyết này.
Phát biểu tại Hội Nghị, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Xuân Tĩnh khẳng định sẽ thực hiện theo đúng định hướng tại Chỉ thị số 06/CT-CA của Chánh án TANDTC Lê Minh Trí về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 và những ý kiến của góp ý, gợi mở của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến.
Trực tiếp trao đổi, giải đáp một số vướng mắc trong công tác phối hợp, Chánh án Nguyễn Xuân Tĩnh khẳng định, xung đột về quan điểm giải quyết án giữa các cấp xét xử, số lượng các vụ án hủy, sửa, kháng nghị, giải trình,… đã giảm dần.
Chánh án Nguyễn Xuân Tĩnh mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của TANDTC; đồng thời cảm ơn TAND 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc quan tâm, thực hiện tốt quy chế phối hợp, giúp TAND cấp cao tại Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp cho thành công chung của hệ thống Tòa án trong năm qua.