Giao thông

Vai trò của Tòa án trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

20/11/2023 11:39

Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng.

bia-1.png

Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng. Mỗi năm, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp luôn chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép mục tiêu về bảo đảm TTATGT vào các Đề án, Kế hoạch hoạt động của từng đơn vị, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân.


1(1).png

Hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ngày càng được chú trọng. Trong đó, công tác bảo đảm TTATGT được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, lấy tuyên truyền, phổ biến, giáo dục làm cơ bản, chủ động đấu tranh, phòng ngừa làm trọng tâm.

Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực tham gia hưởng ứng và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT và đạt được những kết quả tích cực.

anh1.png

Tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn quốc đã kéo giảm ở cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Có được kết quả này không thể không kể đến sự đóng góp của hệ thống TAND thông qua công tác xét xử các vụ án liên quan đến TNGT được thực hiện một cách kịp thời, công khai và đúng pháp luật.

Nhằm phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống TAND, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TANDTC đã xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về bảo đảm TTATGT là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên và cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được TAND các cấp thực hiện nghiêm túc, thông qua nhiều hình thức như: hoạt động xét xử; công tác hòa giải, đối thoại; hoạt động tiếp công dân; thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ; công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ… Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân.

Trong hoạt động tư pháp, xét xử được coi là khâu trung tâm có vai trò quyết định; bởi hoạt động xét xử bao giờ cũng gắn với việc Tòa án nhân danh Nhà nước ra một quyết định, một bản án bảo vệ lợi ích Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giáo dục công dân tuân thủ pháp luật. Tòa án có thể thực hiện việc giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nhưng tập trung nhất và quan trọng nhất vẫn là giáo dục qua hoạt động xét xử.

Thông qua hoạt động xét xử, người tham gia tố tụng và những người theo dõi phiên tòa có thể hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về các quy định của pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Từ đó họ có thể tự đánh giá về hành vi và trách nhiệm pháp lý của mình, giúp hình thành ở họ những cảm xúc về sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, tôn trọng các đại diện của công lý, giúp họ định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật, giúp định hướng dư luận xã hội, nhờ đó mà phát huy tác dụng phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hoạt động xét xử cũng như hoạt động giáo dục.

Bên cạnh công tác xét xử, việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua công tác hòa giải, đối thoại, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, công khai các án lệ, bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử là một trong những điểm mạnh của hệ thống TAND. Mỗi năm đã có hàng trăm nghìn bản án, quyết định của Tòa án được công bố; trong đó có bản án, quyết định về hình sự, bản án, quyết định về dân sự, bản án, quyết định liên quan đến bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thông qua các tác phẩm báo chí (từ báo in, báo điện tử, báo hình), các chương trình truyền thông, sự kiện luôn Lãnh đạo TANDTC đặc biệt quan tâm, chú trọng đẩy mạnh. Những bản án vi phạm về TTATGT dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thường có tính răn đe cao, được các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống TAND thực hiện một cách hiệu quả, từ đó góp phần giáo dục, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

anh2.png

2.png

Để phát huy vị trí vai trò của TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL, năm 2018, TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã ký kết “Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT giai đoạn 2018-2021”. Chương trình đã phát huy tốt thế mạnh và nguồn lực sẵn có giữa hai cơ quan, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân.

Năm 2023, thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT có hiệu quả; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, đồng thời kế thừa những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước, TANDTC và Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp về thông tin, tuyên truyền, PBGDPL về bảo đảm TTATGT giai đoạn 2023-2030.

Chương trình phối hợp sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, thế mạnh và nguồn lực sẵn có giữa hai cơ quan. Đồng thời, đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT, trong đó tập trung phổ biến, tuyên truyền thông qua công tác xét xử, các bản án, quyết định của Tòa án về các vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm TTATGT được TAND các cấp xét xử góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân; đảm bảo các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức; được cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm, định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị quyết 48 ngày 05/4/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng đều yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, quy định pháp luật về TTATGT sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng, lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TTATGT thông qua các hoạt động của hệ thống TAND, đặc biệt là hoạt động xét xử nhằm tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, làm rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng vi phạm sẽ góp phần nâng cao tác dụng giáo dục và răn đe, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới./.

Nhóm tác giả: Lâm Thanh-Nhật Minh-Thanh Trà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của Tòa án trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông