Những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng trong từng vụ án, nếu được tuyên truyền rộng rãi sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.
Những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng trong từng vụ án, nếu được tuyên truyền rộng rãi sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.
Trong công cuộc xây dựng và phá triển đất nước, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Xét xử tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Từ đó cho thấy quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là giáo dục, phòng ngừa tội phạm là chính. Chỉ khi công tác phòng ngừa tốt thì công tác chống tội phạm cũng đạt hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên đến đông đảo quần chúng nhân dân là một trong những phương pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.
Từ lâu công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về bảo đảm trật tự, ATGT (TTATGT) được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và thường xuyên có sự chỉ đạo các cấp, ban, ngành thực hiện. Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới đã cụ thể hóa các giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, trong đó có hoạt động tuyên truyền, PBGDPL góp phần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Việc tuyên truyền, PBGDPL về bảo đảm TTATGT qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Thực tế trong các vụ án xét xử vi phạm quy định về giao thông đường bộ, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ lỗi chủ quan của các bị cáo. Mỗi phiên tòa là một bài học đắt giá, lời cảnh tỉnh cho cả người vi phạm và những người tham gia giao thông. Đây là nguồn tư liệu, tài liệu quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, PBGDPL, có tác động rất mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.
Thông qua các vụ án, bản án liên quan đến vi phạm TTATGT, các cơ quan truyền thông sẽ chủ động xây dựng nhiều tuyến bài, chuyên đề, tổ chức biên tập, sản xuất hàng nghìn tin bài, phóng sự báo chí, phóng sự truyền hình đem lại hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, thu hút người dân quan tâm, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, PBGDPL trong lĩnh vực TTATGT từ Trung ương đến địa phương.
Diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ án được tái hiện sinh động bằng các ngôn ngữ báo chí, các thủ pháp nghệ thuật truyền hình, có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Từ các nội dung tuyên truyền, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT; hiểu được nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm.
Bên cạnh việc tổ chức biên tập, xuất bản các tác phẩm báo chí từ những vụ án, bản án có hiệu lực pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm TTATGT có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, những năm qua, nhiều địa phương đã lựa chọn hình thức tuyên truyền, PBGDPL về bảo đảm TTATGT qua các “Phiên tòa giả định”. Được xây dựng từ tình tiết của các vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý đối tượng, lứa tuổi, những "Phiên tòa giả định” tuyên truyền, PBGDPL đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Có thể thấy, “Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức “Phiên tòa giả định” đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay.
Với những hiệu quả tích cực, các phiên tòa giả định đã giúp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật; đồng thời, giáo dục cho mọi người về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, từ dó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, tăng cường sự ổn định về mọi mặt tại các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động xét xử, các phiên tòa lưu động, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác PBGDPL về bảo đảm TTATGT trong thời đại số, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa mô hình "Phiên tòa giả định" vào PBGDPL về bảo đảm TTATGT cho người dân nói chung, Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo công tác Thông tin - Tuyên truyền TAND phối hợp với và Ủy ban ATGT Quốc gia sản xuất thành công bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.
Dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật được TAND các cấp tổ chức xét xử về về các hành vi vi phạm bảo đảm TTATGT, bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” sẽ tập trung xây dựng tình huống liên quan đến các hành vi vi phạm mà người dân cần như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, điều khiển xe vượt tốc độ cho phép, điều khiển xe chạy ngược chiều, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép và các quy định về tội phạm hình sự (Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015)….
Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế. Từ hồ sơ các vụ án, dàn dựng nhiều thể loại video clip tình huống thể hiện hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời dàn dựng lại diễn biến của các phiên tòa xét xử.
Khi được ứng dụng, các đơn vị thực hiện Chương trình “Phiên tòa giả định” một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức, không gian thời gian, có thể tổ chức trực tuyến hoặc offline. Bộ tài liệu đã khắc phục những hạn chế, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa “Mô hình phiên tòa giả định" vào công tác PBGDPL về bảo đảm TTATGT. Hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này.
Trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tin rằng công tác bảo đảm TTATGT sẽ có nhiều chuyển biến tích cực; kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương./.
Nhóm tác giả: Lâm Thanh-Nhật Minh-Thanh Trà