Ngày xưa chân ướt chân ráo bước vào làng nhạc, nhiều người bảo Linh "chẳng học hành gì" (ý là không được đào tạo bài bản về âm nhạc), cứ đem câu "đường dài mới biết ngựa hay" ra doạ Linh mãi, Linh chỉ cười thôi” – Uyên Linh chia sẻ.
Đêm thi thứ 4 của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 với chủ đề “Nhịp cầu Khát vọng” diễn ra vào ngày 9/4. Trong đêm thi này, sự xuất hiện của ca sĩ Uyên Linh là một điểm nhấn vô cùng thú vị. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Uyên Linh về sự kiện này cũng như những quan điểm và dự định trong sự nghiệp âm nhạc của cô.
So với bạn bè đồng nghiệp, Uyên Linh dường như sống thu mình và kín đáo trong giới showbiz. Không mấy khi thấy bạn lên tiếng bình luận hay phát ngôn gì về các vấn đề của showbiz. Có phải bạn sợ va chạm?
Uyên Linh không phải là người ngại va chạm, nếu việc lên tiếng là cần thiết thì Linh sẵn sàng. Tuy nhiên, showbiz là nơi "nhìn vậy, nghe vậy, mà không phải vậy", vì thế Linh nghĩ mình chỉ nên quan sát để chọn lối sống và cách tồn tại phù hợp, hơn là lời ra lời vào cho những chuyện ồn ào vô bổ.
Vậy với việc ra các sản phẩm âm nhạc thì sao, có vẻ dạo này Linh khá “lười” ra các MV ca nhạc?
Đúng là Uyên Linh ít ra MV ca nhạc thật! Vỏn vẹn được 7-8 MV gì đấy thôi (cười). Bù lại thì siêng ra CD, 7 năm đi hát với 3 CD chính thức, 1 CD dành cho mùa lễ hội.
Showbiz đất chật người đông, ca sỹ thì nhiều mà ekip làm MV thì ít (cười tiếp), Uyên Linh xếp hàng mãi chưa đến lượt chứ không phải cố tình lười đâu ạ.
Được biết bạn tham gia trình diễn tại Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Bạn có thể bật mí về lý do mà bạn trình diễn trong đêm pháo hoa 9/6 hay không?
Linh từng biết đến Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, đó là một lễ hội văn hoá – nghệ thuật độc đáo và nhiều màu sắc. Vì thế khi được BTC mời biểu diễn, Linh đã nhận lời ngay, đó là một đêm biểu diễn để lại nhiều cảm xúc.
Trong đêm pháo hoa, Uyên Linh đã mang đến ca khúc quốc tế “Girl On Fire” của Alicia Keys với thông điệp nữ quyền, hướng đến hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ trong cuộc sống hiện đại nhưng bên trong mang một trái tim nồng ấm cùng với khát khao chinh phục đỉnh cao. Đó cũng chính là một trong những thông điệp của đêm thi “Nhịp cầu khát vọng”.
Ca khúc “Girl On Fire” được đạo diễn lựa chọn cực kỳ phù hợp với tính chất đêm thi pháo hoa, điều khác biệt là Uyên Linh sẽ trình diễn trên sân khấu rực rỡ và hoành tráng, cộng thêm không khí nóng bỏng của lễ hội sẽ càng khiến Linh hát ca khúc bùng cháy hơn.
Sau albulm “Portrait” tạo tiếng vang, Linh có dự định nào mới mẻ không?
Uyên Linh đang thực hiện Vol4, đã bắt đầu làm từ khi giao bản master của “Portrait” sang nhà in chứ không phải đợi đến khi xong “Portrait” mới làm. Linh làm Vol4 song song với việc đi quảng bá album “Portrait”. Theo đuổi những dự án âm nhạc là niềm vui, và khi có niềm vui thì mình làm việc liên tục, làm ngày đêm, có khi là chồng chéo lên nhau nhưng bản thân mình lúc nào cũng thấy thực sự hạnh phúc. Chưa bao giờ Linh thấy mệt mỏi vì theo đuổi âm nhạc.
Khán giả sẽ được thấy một Uyên Linh mới như thế nào trong dự án âm nhạc kế tiếp này?
Có mới một chút, là sự thay đổi rất tự nhiên xuất phát từ nhu cầu tự thân của Linh. Ý thức của mình mỗi ngày một hoàn thiện hơn nên sản phẩm chắc chắn cũng phản ánh một Uyên Linh khác hơn.
Dường như con đường âm nhạc của Uyên Linh từ trước đến nay khá chuẩn chỉ theo một định hướng riêng, hiếm có sự xáo trộn nào. Điều gì khiến bạn bản lĩnh vững vàng như vậy trong thế giới showbiz vốn đầy rẫy phức tạp này?
Ngày xưa chân ướt chân ráo bước vào làng nhạc, nhiều người bảo Linh "chẳng học hành gì" (ý là không được đào tạo bài bản về âm nhạc), cứ đem câu "đường dài mới biết ngựa hay" ra doạ Linh mãi, Linh chỉ cười thôi. Linh không học nhạc nhưng Linh học trường đại học danh giá, Linh tự hào về điều đó.
Và để tồn tại ở showbiz không thể chỉ dựa vào "học trường nhạc". Nghề nào cũng vậy, sau khi có một chút thành công bởi sự may mắn thì vừa làm vừa học liên tục từ thực tế của thời cuộc mới chính là cách để tồn tại. Linh ví dụ, thời đại Internet, đời sống biến đổi như bão, không giỏi sử dụng công cụ tra cứu và sàng lọc thông tin, hoặc không biết ngoại ngữ là thiệt thòi, nếu không muốn nói là …"tiêu".
Ý kiến cá nhân của Linh là vậy, xin lưu ý đang nói về việc tồn tại trong Thị-trường-âm nhạc, còn việc trở thành “Tượng đài âm nhạc” thì đó lại là một câu chuyện khác.
Cảm ơn Linh!