Đại hội một số tổ chức xã hội nghề nghiêp thuộc loại “vua biết mặt, chúa biết tên, dân biết rõ” nhưng kết quả phần nhân sự coi như hỏng.
Ai đời có đến cả trăm ứng viên chiếm 70-80% số đại biểu dự đại hội có tên trong danh sách tự ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành khóa mới. Bản danh sách lên đến 3 con số. Loãng như canh tập thể là vì ban lãnh đạo cũ không thể điều chỉnh được. Nhân bảo như thần bảo, đại hội chỉ bầu được BCH có 6 người gồm hầu hết gương mặt cũ. Thế nhưng, quyền của đại hội to lắm, các đại biểu không cho bầu lại bầu thêm.
Một hội lớn khác, dự kiến cho 4 chức danh Phó chủ tịch bất thành vì các vị này trượt chức danh Ủy viên BCH khóa mới, nằm ngoài ý thức chủ quan của các Ban tổ chức đại hội.
Từ các nhiêm kỳ trước, nhân sự chủ chốt cho nhiệm kỳ mới được dự kiến nhưng bị trượt vẫn có nhưng không nhiều. Còn gần đây và nhất là đến nhiệm kỳ này, sự bất ngờ ấy đã xuất hiện nhiều hơn. Có đại hội là lần thứ hai không thể bầu nổi BCH theo dự kiến. Có ý kiến cho rằng, đó là chuyện bình thường nhưng cũng có ý kiến ngược lại.
Đại hội đảng cấp xã phường và quận huyện cũng như các cơ quan, đơn vị đã có những vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Bí thư, thủ trưởng đã trượt ngay từ vòng bầu ban chấp hành mới. Đó là dấu hiệu không bình thường.
Lại có tổ chức hội vừa công bố danh sách ban chấp hành mới xong thì có vài ba vị ủy viên ban chấp hành vừa trúng cử liền xin rút, không tham gia với những lý do khác nhau.
Nghiêm túc để nhìn nhận, mổ xẻ vấn đề thì có thể thấy mấy nguyên nhân chính. Một là số cán bộ chủ chốt, được cơ cấu vào ban lãnh đạo khóa tới nhưng bị trượt do năng lực, trình độ và hiệu quả công việc của khóa trước kém. Sự yếu kém đó được lá phiếu phản ánh đúng. Hai là có những vấn đề nội bộ, mất đoàn kết hoặc đố kỵ cá nhân nên đại hội bỏ phiếu kín là cơ hội cho sự khuất tất lộng hành. Mặt khác, do công tác tổ chức làm không tỉ mỷ, chi tiết và không có chỉ đạo chặt chẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến trục trặc. Ngoài ra còn do quá tự do, dân chủ nên trước giờ bỏ phiếu, tình trạng “vỡ trận” thường xảy ra bởi số lượng người được đề cử quá nhiều; người tự ứng cử cũng không ít. Ở đây cũng phải nói đến ý thức thiếu trách nhiệm của nhiều đại biểu, coi đại hội của hội chỉ là dịp VLC (vui là chính).
Ở cấp xã phường, quận huyện lại có chuyện vận động bầu cử cho dòng tộc, họ hàng, thôn xóm. Mầm mống mất đoàn kết lộ rõ. Và chuyện đổ lỗi cho nhau lại diễn ra. Nhiều khúc mắc được đổ riệt cho người tiền nhiệm.
Tại cuộc hội thảo "Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực, định hướng và phát triển", một vị nguyên là lãnh đạo thành phố hơn chục năm trước nói: “Cảm giác đau ruột nhất là quản lý không có tính kế thừa, tư duy nhiệm kỳ nên cứ đời lãnh đạo này làm xong, hết nhiệm kỳ 5 năm, lãnh đạo khác lên lại chê Hà Nội hết lời, cho đập đi, làm lại cái mới. Tôi nghĩ không có gì tốn kém hơn cho xã hội như vậy. Cốt lõi mọi vấn đề đều xuất phát từ quan điểm “tân quan, tân chính sách và tính đố kỵ”. Ông này nhẩn nhá, qua 8 lần thay đổi quy hoạch thành phố từ năm 1957 đến 2008, tôi thấy rằng, những người làm nghề khắc dấu là phát triển kinh tế khá nhất. Bởi mỗi một lần thay đổi như vậy thì tất cả các con dấu lại phải làm lại”.
Tư duy nhiệm kỳ tạo cơ hội mà không hề có thách thức cho nghề khắc dấu!