Từ 1 vết phỏng nước, bé 9 tuổi mắc bệnh truyền nhiễm hiếm gặp

Thảo Nguyên| 23/11/2018 10:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 23/11, thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, vừa phát hiện và điều trị thành công cho một bệnh nhi 9 tuổi bị bệnh Whitmore. Cháu bé nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng không rõ nguyên nhân.

Trước đó, bệnh nhi Nguyễn Thành N. (9 tuổi, Hà Nội) nhập viện vì sốt suốt liên tiếp 10 ngày, 3 ngày cuối sốt cao liên tục 39-40 độ C, có cơn rét run, đau đầu.

Thăm khám ban đầu các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi có tình trạng nhiễm khuẩn nặng tuy nhiên không xác định  được nguyên nhân, CRP  của bệnh nhi lên tới 146.4 mg/l (người bình thường dưới 10). Đáng lưu ý kết quả cấy máu của bệnh nhi sau 3 ngày cho âm tính. 3 ngày điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhi xuất hiện đau nhẹ vùng lưng, hạn chế trong việc cử động. Bệnh nhi tiếp tục được siêu âm, phát hiện ổ dịch ở vùng xương cụt.

Do bệnh nhi có thêm dấu hiệu tê bì chân trái, bác sĩ chỉ định chụp tiếp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng và ngay lập tức “bắt” được bệnh là khối áp–xe ngoài màng cứng tủy rất lớn, kéo dài hơn 20cm từ đốt sống ngang thắt lưng T10 xuống xương cùng S2.

Ngay lập tức, bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhi, mở thông 2 đầu ổ mủ, rửa sạch mủ và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng.

Từ 1 vết phỏng nước, bé 9 tuổi mắc bệnh truyền nhiễm hiếm gặp

Ổ mủ trong màng cứng tủy của bệnh nhân được lấy ra sau phẫu thuật

Theo ThS.BS Ngô Quang Hùng - Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn, ngay sau mổ bệnh nhi cắt được cơn sốt liên tục và triệu chứng tê bì chân. Mẫu mủ lấy ra được đem đi nuôi cấy, sau 3 ngày cho thấy bệnh nhi dương tính với cả 2 vi khuẩn tụ cầu vàng ( S. aureus) và B. pseudomallei (Whitmore).

Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, sau mổ bệnh nhân được cách ly, nằm riêng 1 phòng, Các dụng cụ chăm sóc sau mổ cho bệnh nhân từ dụng cụ thay băng, ga giường, quần áo... đều được để phân loại riêng.

Qua khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết, cháu bé chưa từng tiêm hay can thiệp vào vùng lưng. Tuy nhiên, cách đó 3 tuần, cháu có bị một vết phỏng nước (dạng Herpes), gia đình tự điều trị tại nhà và nốt phỏng tự lành, nhưng người nhà cháu bé cho biết bé liên tục dùng tay bẩn (thường xuyên chơi bi trên đất) cạy vùng lên da non.

Do tổn thương nhỏ và đã lành trước khi bị sốt nên khi khám bệnh gia đình không thông báo cho bác sĩ biết. Đây có thể là nguồn khiến vi khuẩn xâm nhập, gây ra tổn thương chèn ép tủy.

BS Hùng cho biết, bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây ra bởi vi khuẩn gram âm B. pseudomallei. Đặc trưng của bệnh là tình trạng viêm phổi nặng và áp xe đa ổ, với tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 40%.

Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực dịch tễ của bệnh tại khu vực Đông Nam Á.

Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, các triệu chứng mơ hồ, khó chẩn đoán, dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Bệnh ban đầu có thể xuất phát từ những vết thương rất nhỏ, người bệnh cũng như bác sĩ thường bỏ qua, tuy nhiên vi khuẩn Whitmore có thể diễn tiến rất nhanh, thường gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, tử vong trong vòng 48 giờ sau khi phát hiện ra triệu chứng.

Biện pháp dự phòng Whitmore cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ 1 vết phỏng nước, bé 9 tuổi mắc bệnh truyền nhiễm hiếm gặp