Xung quanh vấn đề ban hành và áp dụng án lệ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC- một trong những người đầu tiên nghiên cứu sâu về vấn đề án lệ từ những năm trước đây.
PV: Là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về án lệ và đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thể chế này khi xây dựng Luật Tổ chức Tòa án 2014, bà đánh giá như thế nào về vai trò của án lệ hiện nay?
TS. Đào Thị Xuân Lan: Như Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu, nhiệm kỳ qua Tòa án đã làm được nhiều việc quan trọng, trong đó có việc ban hành án lệ. Điều đáng mừng là số lượng án lệ hiện nay không nhiều nhưng trong 3 năm vừa qua chúng ta có hơn 1.000 vụ án được vận dụng án lệ để xét xử. Đây là một xu thế, kỹ năng cần thiết nâng cao chất lượng xét xử và đảm bảo việc thực thi pháp luật được thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Thực tiễn cho thấy, án lệ có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động xét xử của tất cả các nước theo hệ thống luật chung (Common law) và cả các nước theo hệ thống luật thành văn (Civil law). Án lệ đề cập đến những vụ việc đã xảy ra trong thực tế đã được xem xét, giải quyết thông qua các bản án, quyết định của Tòa án, mà không phải những giả thuyết có tính lý luận về những tình huống pháp lý có thể xảy ra trong tương lai.
Án lệ góp phần quan trọng vào việc giải thích và áp dụng pháp luật trong từng trường hợp cụ thể, khi hệ thống pháp luật đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhất là khi có nhiều vấn đề mới phát sinh mà pháp luật hiện hành chưa kịp thời điều chỉnh hoặc một số quy định hiện hành chưa được hướng dẫn thi hành thống nhất, trong khi thực tiễn lại có nhiều cách hiểu khác nhau.
Với sự trợ giúp của án lệ, các vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng hơn, đồng thời tiết kiệm công sức, thời gian cho Nhà nước, cho các Thẩm phán và cho những người tham gia tố tụng khác... đồng thời đảm bảo việc xét xử các loại vụ án một cách khách quan, công bằng và đúng pháp luật.
Các Thẩm phán, những người tiến hành tố tụng khác và những người tham gia tố tụng, khi tham gia trực tiếp vào quá trình tranh tụng, cần nâng cao ý thức về áp dụng pháp luật, nên việc tham khảo, nghiên cứu án lệ có ý nghĩa lớn, có giá trị thực tế nhất định. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động áp dụng thống nhất pháp luật của các Tòa án.
Đối với những vụ án giống nhau hoặc có nhiều tình tiết, nội dung tương tự như nhau thì việc nghiên cứu, áp dụng án lệ vào việc xét xử của các Thẩm phán sẽ có căn cứ bảo đảm phán quyết của mình chính xác, đúng pháp luật mà không phải áp dụng một cách máy móc những quy định pháp luật thành văn như khi chưa có án lệ.
Với những ý nghĩa như và những lợi ích mà án lệ mang lại như vậy, nên hiện nay có nhiều quốc gia cũng đã ban hành án lệ. Án lệ như một yếu tố bổ sung của pháp luật và quan trọng là tạo ra sự thống nhất cao trong hoạt động áp dụng pháp luật. Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình phát triển án lệ là phải xác định giá trị pháp lý của án lệ, hiệu lực của án lệ và việc tìm ra hình thức áp dụng án lệ ở Việt Nam, để án lệ từng bước thích nghi, phát huy vai trò của nó trong hoạt động xét xử áp dụng thống nhất pháp luật ở nước ta; đồng thời việc phát triển án lệ và giá trị pháp lý của án lệ cũng không làm thay đổi hệ thống pháp luật hiện hành.
PV: Theo quan điểm của bà thì trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên áp dụng án lệ như thế nào cho phù hợp?
TS. Đào Thị Xuân Lan: Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, ở Việt Nam nên học tập và áp dụng án lệ của các nước theo hệ thống Civil law, theo cách thừa nhận án lệ có giá trị tham khảo, không có giá trị bắt buộc đối với người áp dụng. Giá trị pháp lý của án lệ như một nguồn tài liệu tham khảo hết sức quan trọng, cần thiết trong quá trình xét xử các loại vụ án.
Hiện nay, TANDTC đã ban hành nhiều án lệ. Thời gian qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và ban hành 37 án lệ, ngay sau khi được công bố các Tòa án đã viện dẫn đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau được giải quyết công bằng, khách quan, thống nhất. Ngoài ra, Vụ đã trình Lãnh đạo TANDTC cho xuất bản hai cuốn “Án lệ và bình luận”, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học về án lệ và vận dụng trong thực tiễn đạt hiệu quả.
PV: Năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là ban hành và áp dụng án lệ. Là người nghiên cứu sâu về vấn đề đề này, bà có thể cho biết làm thế nào để triển khai hiệu quả công tác này?
TS.Đào Thị Xuân Lan: Thời gian qua, đã có hàng chục án lệ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn để ban hành.
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết thông qua thêm 4 án lệ, bao gồm: Án lệ số 40/2021/AL về công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế. Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế.Án lệ số 42/2021/ALvề quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài. Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán.
Có thể thấy rằng, việc ban hành và áp dụng án lệ là dấu mốc quan trọng chưa từng có trong lịch sử của việc hướng dẫn áp dụng pháp luật trong hệ thống TAND. Từ ý nghĩa của án lệ và thực tiễn áp dụng án lệ trong thời gian qua cho thấy hệ thống Tòa án cần có sơ kết đánh giá cụ thể về nội dung của án lệ, việc áp dụng án lệ trong thực tiễn và những ý kiến đóng góp làm cho việc áp dụng án lệ trong thời gian tới hiệu quả nhiều hơn nữa. Đặc biệt là phải kịp thời động viên Thẩm phán, HĐXX đã có bản án, quyết định được lựa chọn làm án lệ; giúp cho việc áp dụng án lệ được tăng cường và chất lượng xét xử ngày càng nâng cao.
Trân trọng cảm ơn bà!