Dấu ấn người đứng đầu hệ thống  TAND trong nhiệm kỳ 2016-2021

Lê Phúc Hỷ| 14/03/2021 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại buổi lễ trao tặng Huân chương Độc Lập Hạng Nhất cho TANDTC (tháng 10/2020), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Những thành tựu mà hệ thống Toà án đạt được trong 75 năm xây dựng và phát triển có sự đóng góp quan trọng từ kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động thường xuyên, liên tục; là sự tiếp nối truyền thống quý báu được vun đắp bởi nhiều thế hệ cán bộ Toà án qua các giai đoạn phát triển của đất nước”.

Kế thừa các kết quả, thành tựu đã đạt được từ các giai đoạn trước, nhiệm kỳ công tác 2016-2021, TAND đã có sự đổi mới, tiến bộ rõ rệt: Chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, hội nhập quốc tế được mở rộng; đặc biệt, công tác xây dựng thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án đạt kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ.

anh-1.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ trước Quốc hội và cử tri cả nước (tháng 07/2016)

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động khó lường; nền kinh tế có độ mở cao, kinh tế số, kinh tế chia sẻ phát triển; thiên tai, dịch bệnh hoành hành toàn cầu; tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gia tăng; phát sinh một số tội phạm phi truyền thống, tinh vi phức tạp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung công tác Tòa án.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định “Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”, trong nhiệm kì 2016 -2021, TAND đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp.

Tổ chức bộ máy TAND tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”; đồng thời, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Quốc hội, Nhân dân giao phó.

anh-2(1).jpg
Tập huấn về nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới

Về công tác xét xử, trong nhiệm kì 2016 -2021 TAND đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, các Tòa án đã tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với những vụ án kinh tế lớn, điển hình, những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc. Bên cạnh đó, các Hội đồng xét xử còn đề xuất, kiến nghị giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng, bổ sung những quy định về quản lý cán bộ, quản lý kinh tế và xã hội.

Trong rất nhiều kết quả, thành tích khả quan đó, thành tựu nổi bật như những điểm nhấn đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ công tác 2016-2021 của TAND bao gồm những kết quả cụ thể sau:

anh-3(1).jpg

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì kỳ thi tuyển chọn Phó Giám đốc Học viện Tòa án

Thứ nhất, Thực hiện Chiến lược CCTP, từ 2018 TAND các cấp trong toàn hệ thống đã triển khai “Mô hình phòng xét xử mới”, thể hiện rõ vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX, bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời, xây dựng mô hình “ Phòng xét xử thân thiện” dành cho xét xử người vị thành niên…Đây là sự đổi mới mang tính nhân văn, phù hợp với quy định của Hiến pháp và sự tiến bộ của tư pháp quốc tế.

Thứ hai, Xây dựng đề án, trình và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 13 thông qua, ban hành Nghị quyết số 1214 ngày 13/6/2016, thực hiện thống nhất về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm. Những đổi mới này góp phần nâng cao tính uy nghiêm, chuyên nghiệp của Tòa án, hòa nhập với xu thế tư pháp thế giới.

anh-4.jpg
Khai giảng khóa tập huấn nghiệp vụ Hòa giải đối thoại tại Tòa án

Thứ ba, Nhằm xây dựng đội ngũ Thảm phán có đạo đức trong sáng, đảm bảo tốt hơn công tác giám sát Thẩm phán, Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán Quốc gia đã Ban hành “Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”, làm cơ sở để Thẩm phán tự rèn luyện phẩm chất đạo đức và quy tắc công vụ. Đồng thời, tạo điều kiện để nhân dân và xã hội giám sát hoạt động xét xử của Thẩm phán và hoạt động của Tòa án.

Thứ tư, Xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và được Quốc hội thông qua tháng 06/2020, có hiệu lực từ tháng 01/2021. Đây là điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật của TAND, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.

anh-5.jpg

Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa TANDTC với VP Chính Phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử, chỉ đạo điều hành và cải cách thủ tục hành chính.

Thứ năm, Trong công tác quan hệ quốc tế, lãnh đạo định hướng mục tiêu xây dựng hình ảnh của TAND và TANDTC Việt Nam tiến bộ, khoa học, nhân văn; góp phần nâng cao vị thế của Tòa án và nền tư pháp của Việt Nam trên trường quốc tế. Vai trò tích cực của Chánh án TANDTC Việt Nam khi tham gia, trao đổi về các chủ đề chung cùng với người đứng đầu cơ quan tư pháp của các nước tại các diễn đàn khu vực ASEAN, Châu Á-Thái Bình Dương, diễn đàn Tư pháp quốc tế, Hội nghị Toà án các nước nói tiếng Pháp… đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu, vượt qua mọi khó khăn, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Chánh án ASEAN, Chánh án TANDTC Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 bằng hình thức trực tuyến và đã chủ trì thông qua nhiều nội dung quan trọng.

anh-6.jpg

Lễ công bố các dịch vụ công của TAND trên cổng dịch vụ công quốc gia

Thứ sáu, Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Tòa án được đẩy mạnh với việc xây dựng Trung tâm dữ liệu; hệ thống truyền hình trực tuyến tới 778 điểm cầu để phục vụ hội nghị, giao ban, quản lý, điều hành và đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn; xây dựng 67 trang thông tin điện tử của Tòa án; công bố công khai bản án; Trang tin án lệ; ứng dụng gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ qua mạng và bằng phương tiện điện tử… Việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận Toà án. Đồng thời, là tiền đề cơ sở tiến tới xây dựng Tòa án điện tử, hoàn thiện vào năm 2025.

anh-7.jpg
Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa TANDTC Việt Nam với TATC Singapore

Đặc biệt, TANDTC phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai Kết nối và công bố các dịch vụ công trực tuyến của TAND trên Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng bộ mã định danh của hệ thống Tòa án theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ…tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giao dịch với Tòa án. Theo đó, hai cơ quan thống nhất xây dựng quy chế phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử và cải cách thủ tục hành chính; triển khai kết nối trục liên thông văn bản quốc gia và triển khai hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành cho TANDTC; tích hợp 05 phần mềm dịch vụ của TANDTC lên Cổng dịch vụ công quốc gia…

anh-8.jpg

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thăm và tặng quà cựu cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Đề Thám (Hà Bắc).

Thứ bảy, Công tác xây dựng cơ sở vật chất, củng cố, đổi mới hình ảnh TAND trong nhiệm vụ Chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lâu dài, bền vững. Đó là việc xây dựng mới trụ sở cho 35 Tòa án nhân dân cấp huyện, 03 Tòa án nhân dân cấp cao; 10 Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trang bị nội thất phòng xét xử theo mô hình mới cho các Tòa án trên toàn quốc. Đặc biệt, công trình Trụ sở mới TANDTC (tại số 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), trở thành một quần thể kiến trúc uy nghi, kết nối giữa cổ kính và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, là một công trình đẹp, tinh hoa và nổi bật giữa Thủ đô.

tanh-9.jpg
Chánh án Nguyễn Hòa Bình thăm hỏi và tặng quà trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh

Vẻ đẹp của kiến trúc Tòa nhà đã được vinh danh bằng giải thưởng kiến trúc cao quý: Giải nhì Giải thưởng chất lượng thiết kế công trình VECAS AWARD 2020 của Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam.

Thứ tám, Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, góp phẩn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ thông qua các hoạt động giao lưu, kết nối, tặng quà nhân dân và bộ đội các địa phương. Đặc biệt với các địa phương thuộc biên giới hải đảo, kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ, chắc tay súng, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

“Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng”. Để đạt được những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua là nhờ sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, người lao động trong toàn hệ thống TAND. Nhưng thật không công bằng nếu chúng ta không ghi nhận vai trò “Người cầm lái con tàu TAND”, vượt qua bao khó khăn “sóng dữ”, xây nên thành quả hiển vinh của TAND trong nhiệm kỳ qua.

anh-10.jpg

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ đảo Thổ Chu, Kiên Giang

Với tư duy khoa học kết hợp với kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn, với ý chí quyết tâm, khát vọng cống hiến, tất cả vì nhiệm vụ, vì nhân dân và nền tư pháp công bằng, nghiêm minh; đặc biệt là với vai trò Người đứng đầu TAND, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đã thể hiện trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo dựng nên những điểm nhấn tích cực cho TAND trong nhiệm kỳ công tác 2016 – 2021.

Đó chính là nền móng tinh thần và vật chất vững chắc, ghi đậm dấu ấn vào lịch sử truyền thống 75 năm TAND, tạo điều kiện để hệ thống TAND bước vào một chặng đường mới, tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án văn minh, hiện đại, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý và công bằng xã hội trong giai đoạn cách mạng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn người đứng đầu hệ thống  TAND trong nhiệm kỳ 2016-2021