Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Trọng Bằng (tổng hợp)| 28/02/2021 20:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội Trung Quốc được cho là diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông kể từ khi tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng trước.

trung-quoc-tap-tran-ban-dan-that-giua-luc-tau-my-tuan-tra-bien-dong.jpg
Một tàu chiến của Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở biển Hoa Đông năm 2014. (Nguồn: AP)

Trung Quốc: tập trận kiểm tra khả năng ứng phó các cuộc tấn công tên lửa ở "vùng biển xa"

Theo tờ SCMP, đài truyền hình CCTV của Trung Quốc ngày 27/2 xác nhận, Bộ tư lệnh quân khu nam của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa tập trận bắn đạn thật nhằm kiểm tra khả năng ứng phó các cuộc tấn công tên lửa ở "vùng biển xa". Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam phụ trách giám sát các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

CCTV không nêu rõ thời gian cũng như địa điểm diễn ra cuộc tập trận song cho biết, cuộc diễn tập có sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Yinchuan, tàu hộ vệ Wuzhishan và tàu hỗ trợ Chagan Hu.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông kể từ khi tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng trước.

Sáng kiến Tư vấn Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, từ ngày 23/2, tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ đã hoạt động xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

SCSPI cũng cho biết, hôm 27/2, Mỹ đã điều một máy bay trinh sát bay qua Biển Đông và eo biển Đài Loan. Đây là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ: FONOP là cần thiết để kiềm chế tham vọng hàng hải của Bắc Kinh

Trong một bối cảnh khác liên quan đến hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mới nhất, được tiến hành ngày 17/2 ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông.

Trước đó, tàu hải quân USS John S McCain của Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

tau-my.jpg
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Hồi đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz and Theodore Roosevelt tham gia tập trận ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra dưới thời Tổng thống Biden.

Không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, chính quyền mới của Mỹ cũng giữ vững quan điểm ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh gây tranh cãi mà Bắc Kinh vừa thông qua, cho đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm “khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của nước này ở Biển Đông”.

Luật này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ vì cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các tàu bán quân sự, sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” bao gồm cả vũ lực nhằm vào tàu thuyền nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm.

Các động thái quân sự mới nhất của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” của Mỹ và cáo buộc Bắc Kinh “tấn công trực diện vào hệ thống quản trị toàn cầu” được hình thành sau Thế chiến thứ 2, do Mỹ dẫn đầu.

Mặc dù để ngỏ sự hợp tác với Trung Quốc, nhưng người đứng đầu Nhà Trắng phần lớn vẫn áp dụng các biện pháp mạnh tay của chính phủ tiền nhiệm nhằm đối phó với những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh tại các vùng biển ở châu Á.

Trong 30 ngày đầu lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Biden đã tiến hành ít nhất 3 hoạt động hàng hải lớn tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có cả màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất trong một thập kỷ qua.

Tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ nêu rõ: “Hoạt động tự do hàng hải duy trì các quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận trong luật pháp quốc tế".

“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, giao thương và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông", ông Joe Keily, người phát ngôn của Hạm đội 7 nêu rõ.

Washington cho rằng, việc tiến hành FONOP là cần thiết để kiềm chế tham vọng hàng hải của Bắc Kinh và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo Trung Quốc chớ “đơn phương áp đặt quyền kiểm soát đối với việc tự do đi lại ở Biển Đông”.

Lầu Năm góc khẳng định, FONOP là phù hợp với luật lệ quốc tế và cam kết tiếp tục bảo vệ sự tự do trong hoạt động đi lại và thương mại trên biển.

Trong 4 năm qua, trung bình Mỹ tiến hành hơn 6  hoạt động hàng hải lớn tại các vùng biển mỗi năm, gia tăng đáng kể so với thời chính quyền Tổng thống Obama.

Trước đây, cựu Tổng thống Obama từng cam kết sẽ thực hiện các hoạt động FONOP ít nhất 3 tháng 1 lần vào giữa những năm 2010, nhưng chỉ có 2 hoạt động như vậy được tiến hành vào năm 2015 và 1 lần vào năm 2016.

Tần suất các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã tăng lên đều đặn dưới thời ông Donald Trump, với 4 lượt vào năm 2017, 6 lượt vào năm 2018, 8 lượt vào năm 2019 và 9 lượt vào năm 2020, theo Foreign Policy.

Căn cứ vào tình hình thực tế, có thể thấy rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang tiếp nối xu hướng, thậm chí có khả năng vượt qua người tiền nhiệm Donald Trump, khi thực hiện các biện pháp thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Điều này chứng tỏ đảng Dân chủ ngày càng nghiêng về việc theo đuổi quan điểm cứng rắn trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông