Tòa án

“Trợ lý ảo” như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và nghiệp vụ Tòa án

Mạnh Hùng 13/09/2023 11:34

“Qua thời gian sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, tôi thấy “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ Tòa án…", đó là chia sẻ của Thẩm phán Phan Văn Khanh, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên với PV Báo Công lý nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2023).

PV: Thưa Chánh án, hiện TANDTC đã triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cho Thẩm phán TAND các cấp, ông có thể cho biết, TAND hai cấp ở địa phương đã thực hiện áp dụng phần mềm này như thế nào?

e794f98f-5553-406a-befe-a1e1630ef1bd.jpeg
Thẩm phán Phan Văn Khanh, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên.

Chánh án Phan Văn Khanh: Thực hiện kế hoạch số 49/KH-TANDTC, ngày 15/3/2022 của TANDTC về triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cho Thẩm phán. Toàn bộ Thẩm phán TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã tham gia buổi tập huấn sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” do TANDTC tổ chức vào đầu tháng 4/2022. Ngay sau tập huấn, TAND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện phần mềm “Trợ lý ảo” trong TAND hai cấp.

Về cơ sở, hạ tầng trang thiết bị: Đảm bảo mỗi Thẩm phán đều được trang bị 1 máy tính có kết nối Internet. Bộ phận tin học thuộc Văn phòng cập nhật, thông tin tình hình sử dụng, tương tác phần mềm “Trợ lý ảo” hằng tháng của Thẩm phán; từ đó đánh giá kết quả sử dụng phần mềm gắn với tiêu chí thi đua của từng đơn vị và từng Thẩm phán, kịp thời nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị có Thẩm phán sử dụng, tương tác chưa thường xuyên. Kết quả thống kê của hệ thống hằng tháng cho thấy, TAND tỉnh Điện Biên thuộc trong 20 đơn vị tích cực sử dụng, tương tác trên phần mềm này.

PV: Chánh án cho biết việc áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” có ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán hay không?

Chánh án Phan Văn Khanh: Trong kỷ nguyên chuyển đổi số đang dần thay đổi tích cực nhiều mặt đời sống xã hội, các cơ quan Nhà nước sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả điều hành và thực thi công vụ của công chức, được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất và phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Việc sử dụng “Trợ lý ảo” đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu, xử lý, ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, được dư luận xã hội đồng tình; nhưng không ảnh hưởng đến tính độc lập trong xét xử của Thẩm phán. Bởi lẽ, phần mềm cung cấp nhanh, chính xác các dữ liệu, thông tin, quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc, giúp Thẩm phán nghiên cứu sâu hơn, chính xác hơn; trên cơ sở đó đưa ra phán quyết đúng pháp luật.

PV: Qua thời gian sử dụng phần mềm, Chánh án thấy hiệu quả công việc có sự khác biệt như thế nào? Các Thẩm phán sử dụng phần mềm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Chánh án Phan Văn Khanh: “Trợ lý ảo” được thiết lập làm việc 24/7 và luôn bên cạnh Thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Đây được xem là một công cụ trợ giúp đắc lực cho việc giải quyết, xét xử các vụ việc của Tòa án.

Các Thẩm phán sử dụng phần mềm dễ dàng, nhanh chóng, dữ liệu thông tin khá phong phú, chính xác. Tuy nhiên, các tình huống pháp lý chưa nhiều; một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được cập nhật kịp thời trên “Trợ lý ảo”, phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng.

Bên cạnh đó, “Trợ lý ảo” là ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Các Thẩm phán đều được tập huấn hướng dẫn sử dụng nhưng đây là giai đoạn bắt đầu triển khai, nên việc áp dụng tại hệ thống Tòa án không tránh khỏi những khó khăn, vì hiện nay trình độ về tin học, khả năng sử dụng máy tính của các Thẩm phán không đồng đều, chưa quen, nên thao tác chưa thành thạo.

PV: Chánh án có nghĩ phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ là một người bạn thân thiết và đáng tin cậy với đội ngũ Thư ký và Thẩm phán trong hệ thống Tòa án?

Chánh án Phan Văn Khanh: Qua thời gian sử dụng phần mềm, tôi thấy “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án.

Phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ cung cấp cho các Thẩm phán cần phải áp dụng quy định nào và việc áp dụng pháp luật dẫn chiếu tới các điểm, khoản, điều luật và thời hiệu của văn bản pháp luật; “Trợ lý ảo” giới thiệu các án lệ các vụ án áp dụng tương tự cho Thẩm phán tham khảo; đồng thời giới thiệu các giải đáp pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; giới thiệu các vụ án tương tự đã được xét xử để Thẩm phán nghiên cứu, tham khảo. Trong thời gian tới, đây sẽ là một tiện ích đáng kể giúp các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên trong thực hiện công việc và tuân thủ pháp luật tốt hơn.

PV: Trong thời gian tới, Chánh án mong muốn gì ở phần mềm “Trợ lý ảo” hiện đang được áp dụng trong hệ thống Tòa án?

Chánh án Phan Văn Khanh: “Trợ lý ảo” được coi là một bước đi có tính đột phá về chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay mới ở giai đoạn đầu vừa sử dụng vừa hoàn thiện, có một số hạn chế nhất định chưa đáp ứng được mong muốn của người sử dụng.

Trong thời gian tới, với sự đầu tư, quan tâm từ nhiều nguồn lực, tôi tin tưởng phần mềm “Trợ lý ảo” ngày càng hoàn thiện, ngày càng thông minh và mở rộng đối tượng sử dụng hơn nữa, không chỉ bao gồm các chức danh tư pháp mà còn hướng tới mỗi người dân đều có thể truy cập, sử dụng “Trợ lý ảo”.

Đặc biệt, phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ là bước ngoặt trong việc áp dụng công nghệ thông tin của Tòa án, đây chính là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của Tòa án, nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tạo nền móng tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.

PV: Trân trọng cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trợ lý ảo” như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và nghiệp vụ Tòa án