Năm 2022 có những tín hiệu tích cực đối với khu vực kinh tế FDI.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển dự báo do dịch bệnh được kiếm soát tốt, nhiều nước ban hành cơ chế, chính sách mới ưu đãi đầu tư nên FDI toàn cầu năm 2022 có thể khôi phục về mức của năm 2019. FDI vào Châu Á, trong đó có một số quốc gia lớn trong ASEAN có thể đạt mức cao hơn năm 2020.

Một số tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB nhận định khá lạc quan về triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 6,5%- 6,8%.

fdi-2022.jpg
Triển vọng FDI 2022

Năm 2022 tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, trong đó Việt Nam được hưởng ưu đãi cao hơn các đối tác; nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTAs thế hệ mới, đã chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương trong bối cảnh mới.

Năm 2022 cuộc cải cách nền hành chính quốc gia tiếp tục được tiến hành, bộ máy nhà nước tinh giản, gọn nhẹ và có hiệu năng hơn, quan hệ phân công, phân cấp theo chiều ngang và chiều dọc giữa các cơ quan nhà nước sẽ được cải thiện, đội ngũ công chức, viên chức nhà nước được đòi hỏi đáp ứng cao hơn việc thực hiện chính phủ kiến tạo, chính phủ số.

Tuy vậy, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, vẫn còn không ít điểm nghẽn nếu chậm được khắc phục sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI như hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu tư như đất đai, môi trường, trốn thuế, lậu thuế, chuyển giá, tranh chấp lao động, bảo đảm đòi hỏi của FTA thế hệ mới như kinh doanh có trách nhiệm, xóa bỏ lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động trẻ em, trả lương theo lao động bình đẳng giới tính.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, căn cứ những nhân tố trên đây và kết quả thực hiện năm 2021, triển vọng năm 2022 có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21- 22 tỷ USD vốn thực hiện, đạt mục tiêu về số lượng của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2021 - 2025 vốn đăng ký khoảng 30 - 40 tỉ USD/năm, vốn thực hiện khoảng 20 -30 tỉ USD/nămgiai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).

fdi-2022-1.jpg
Ảnh minh họa.

Tuy vậy, phải đổi mới toàn diện các khâu xúc tiến đầu tư từ hội nghị, hội thảo là chính sang tiếp cận nhà đầu tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tại thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, tận dụng FTA thế hệ mới để doanh nghiệp của các nước OECD, Châu Âu, Mỹ thực hiện dự án mà nước ta cần thu hút FDI, đơn giản hóa thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhân đầu tư, chuyển nhanh sang công nghệ số, qua mạng internet, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư nhất là về giải phóng mặt bằng, nhập khẩu trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng để sớm đưa dự án vào vận hành. Chuyển hướng thu hút FDI sang chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo mục tiêu tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị:

- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến,quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Tổ chức y tế Thế giới (WHO) dự báo dịch COVID-19 có thể được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu vào giữa năm 2022, khuyến cáo các quốc gia cần chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở cửa với thế giới, phục hồi và phát triển kinh tế.

Đó cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam để vượt qua thách thức trước mắt, tranh thủ cơ hội mới của năm 2022, tăng cường thu hút FDI và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn FDI, đóng góp nhiều hơn vào chuyển dịch sang kinh tế số, thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của kế hoạch 5 năm 2021- 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng FDI 2022